Trong khi giá heo hơi trong nước có giá khoảng 25.000-30.000 đồng/kg, thì giá thịt nhập khẩu trung bình chỉ khoảng 27.000 đồng/kg. Qua khảo sát, có thể thấy hầu hết các hệ thống siêu thị lớn hay cửa hàng thực phẩm có thương hiệu đều không bán thịt nhập khẩu giá rẻ. Giá các loại thịt bò, trâu, cừu, heo… nhập từ Mỹ, Úc, Ấn Độ… bán tại hệ thống MM Market (phường An Phú, quận 2, TPHCM) đều có giá ngang hoặc cao hơn thịt nội. Đây là những loại thịt chất lượng cao, đã qua kiểm dịch nghiêm ngặt.
Các hệ thống siêu thị và cửa hàng thực phẩm lớn hầu như không bán thịt nhập khẩu giá "siêu rẻ" |
Còn những loại thịt nhập khẩu có giá “siêu rẻ” thì thường chỉ xuất hiện trên các trang bán hàng online hoặc một số cửa hàng thực phẩm nhỏ của tư nhân. So với mặt bằng giá ở các siêu thị, giá những loại thịt này rẻ hơn rất nhiều, ví dụ: Móng giò 37.000 đồng/kg, đuôi 40.000 đồng, thịt ba chỉ 59.000 đồng, sườn 60.000 đồng, thịt nạc 69.000 đồng/kg,…
Đặc biệt, nhiều loại phụ phẩm như nầm, gan, cật, tim… có giá chỉ bằng 30-50% so với giá thị trường.
Thịt nhập khẩu giá "siêu rẻ" chủ yếu bán trên các trang online hoặc cửa hàng nhỏ của tư nhân |
Nhiều người nội trợ ở TPHCM cho biết, trước kia, thấy thịt “ngoại” mà giá quá rẻ, họ đã mua về cho gia đình sử dụng trong bữa ăn hàng ngày. Họ nhận xét rằng, các loại thịt này khi chế biến món ăn thì cũng “bình thường”, không thấy có biểu hiện gì bất thường. Tuy nhiên thời gian gần đây, khi thấy dư luận đặt ra nhiều nghi vấn về chất lượng, nhất là thời hạn sử dụng, thì nhiều người đã không còn dám mua về cho gia đình dùng nữa.
“Hiện nay, khách hàng chủ yếu là những nhà hàng, quán ăn, họ mua với số lượng lớn để chế biến các món ăn theo thực đơn. Với tay nghề của những đầu bếp chuyên nghiệp, sẽ rất khó phân biệt được đâu là thịt giá “siêu rẻ”, đâu là các loại thịt được mua ở siêu thị hay các cửa hàng có thương hiệu”, chủ một cửa hàng có bán các loại thịt giá “siêu rẻ” ở quận Gò Vấp, TPHCM, tiết lộ. Người này cho biết thêm, lượng hàng tiêu thụ mỗi ngày rất lớn, lên tới vài ba trăm kg, hàng nhập về đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Khách hàng chính của loại sản phẩm này là các nhà hàng, quán ăn và cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp |
Khi hỏi về sự khác biệt giữa các loại thịt giá “siêu rẻ” với thịt bán giá khá cao tại các siêu thị, cửa hàng lớn, mặc dù cùng chung xuất xứ như Mỹ, Canada, Úc, Tây Ban Nha…, hầu hết các những người kinh doanh thịt “siêu rẻ” đều khẳng định “không khác gì”!
Tuy nhiên, cũng có một số người “tiết lộ” rằng, sở dĩ có loại thịt giá “siêu rẻ” là vì những loại thịt này tồn kho từ lâu, không còn đủ tiêu chuẩn để bán tại thị trường nước sản xuất hoặc thị trường cao cấp, nên phải xuất khẩu sang các thị trường “dễ tính”, trong đó có Việt Nam. Vì thế, những lô hàng này đã “cận date” hoặc thậm chí là “quá date”, trước khi xuất khẩu hoặc khi làm thủ tục nhập khẩu, chủ lô hàng đã bằng cách nào đó “phù phép” để “lùi” thời hạn sử dụng.
Giá “siêu rẻ” là vì thế. Điều này cũng giải thích vì sao chỉ có các quán ăn, nhà hàng mua về để chế biến đồ ăn bán cho thực khách, chứ không mấy ai dám mua cho gia đình sử dụng.
Việt Nam đã nhập một lượng khá lớn thịt từ các nước từ đầu năm đến giờ |
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, từ đầu năm 2017 đến giữa tháng 3, cả nước đã nhập khẩu gần 7.800 tấn thịt heo các loại, trị giá hơn 9,4 triệu USD, tăng gần 16% về lượng và 21% về trị giá so với cùng kỳ. Tính bình quân mỗi kg thịt heo khi nhập khẩu về Việt Nam có giá 1,2 USD, tức khoảng 27.000 đồng. |