Mặc dù hầu hết mọi người khi hoạt động gắng sức (chẳng hạn như leo cầu thang) có thể gặp phải tình trạng thở hổn hển, thở gấp,... do lượng oxy mà cơ thể cần tăng đột ngột dẫn tới thở mạnh hơn nhưng có một số bệnh lý nghiêm trọng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này.
Theo Health, dưới đây là một số nguyên nhân khiến một người bị thở hổn hển khi leo cầu thang mà bạn có thể tham khảo. Lưu ý rằng những nguyên nhân dưới đây không thể thay thế cho chẩn đoán của bác sĩ.
- Tim và phổi hoạt động gắng sức hơn
Phổi giúp đưa oxy vào máu trong khi tim bơm máu mang oxy đi khắp cơ thể. Leo cầu thang bị thở hổn hển, cảm giác như nghẹt thở có thể là kết quả của việc tim và phổi phải hoạt động gắng sức để đáp ứng nhu cầu oxy của cơ thể, đặc biệt nếu không quen với việc leo cầu thang hay vận động thể chất hoặc đang vấn đề sức khỏe nào đó liên quan tới hệ hô hấp và tim mạch.
- Leo cầu thang sử dụng hệ thống năng lượng khác
Khác với cơ chế sử dụng năng lượng như các bài tập tim mạch thông thường thì leo cầu thang với việc sử dụng cơ chân để di chuyển toàn bộ trọng lượng cơ thể lên dốc đòi hỏi năng lượng gấp 9 lần so với khi ngồi một chỗ và gấp tới 7 lần khi đi thang máy, bao gồm cả việc leo cầu thang với tốc độ chậm. Vì thế mà hoạt động leo cầu thang được xếp vào hoạt động thể chất cường độ cao.
Theo Shape, leo cầu thang sử dụng hệ thống Phosphage có thể cung cấp năng lượng cho cơ thể thông qua việc sử dụng một lượng ATP nhỏ được lưu trữ sẵn trong cơ bắp. Hệ thống này sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc cung cấp năng lượng cho các hoạt động ở cường độ cực cao (nỗ lực tối đa - hết sức), trong thời gian ngắn dưới 30 giây (thường là 10 giây).
Điều đó có nghĩa là, cơ thể bạn có ít năng lượng hơn cho các hoạt động như leo cầu thang nên dễ dàng cảm thấy mệt nhanh hơn so với các bài tập tim mạch ở trạng thái ổn định. Từ đó, dễ bị thở gấp, thở hổn hển khi leo cầu thang.
- Bệnh lý và tình trạng sức khỏe
Khó thở cũng có thể là kết quả của một số bệnh lý và tình trạng sức khỏe khiến các cơ quan dễ xảy ra tình trạng thiếu oxy, chẳng hạn như:
+ Tắc nghẽn đường dẫn khí ở miệng, mũi hoặc họng.
+ Dị ứng.
+ Lo lắng, căng thẳng hoặc cơn hoảng loạn.
+ Áp lực lồng ngực bất thường do chấn thương, mặc quần áo quá chật, các vấn đề về cơ xương.
+ Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
+ Các vấn đề tim mạch như loạn nhịp tim, bệnh động mạch vành, suy tim khiến lưu lượng máu đến cơ tim bị hạn chế.
+ Tăng áp phổi.
+ Viêm phổi.
+ Người hút thuốc lá thường xuyên.
Theo Health, một vài luyện tập có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn khi leo cầu thang (kể cả với mục đích leo cầu thang để luyện tập, tăng cường sức khỏe):
- Thử leo cầu thang thường xuyên hơn
Giống như các hoạt động thể chất khác, khi được rèn luyện thường xuyên, cơ thể sẽ nhanh chóng thích nghi bằng cách tăng cường hiệu quả hoạt động của cơ, do vậy mà cơ sẽ cần ít oxy hơn để di vận động và thải ra ít carbon dioxide hơn. Nói cách khác, bạn sẽ cảm thấy ít phải cố gắng hít thở khi leo cầu thang như lần đầu tiên nữa.
- Tạo ra khoảng nghỉ
Khi leo cầu thang dài, hãy cân nhắc tới việc vừa leo vừa nghỉ đúng cách. Đầu tiên, do hệ thống năng lượng Phosphage chỉ có một lượng ATP nhất định và cần có thời gian "hồi lại" sau mỗi lần giúp cơ thể bùng nổ sức mạnh. Tiếp theo, đây cũng là cách tốt nhất để tạo ra những bước nhảy gia tăng trong VO2 max, một thước đo mức độ cơ thể sử dụng oxy tốt như thế nào.
Ngoài ra, khi cơ thể phải gắng sức quá mức cũng khiến nguy cơ gặp phải chấn thương cơ xương cao hơn. Điều này đặc biệt đúng với người đang có sẵn các tình trạng sức khỏe về xương khớp, tim mạch hay bệnh phổi.
- Thực hành các bài tập tăng cường sức mạnh cho cơ chân
Tăng cường sức mạnh cho phần thân dưới có thể cần thiết với nhiều người, nhất là những người yêu thích các bộ môn đòi hỏi sức mạnh và sức bền như chạy bộ, chạy bộ leo dốc, leo cầu thang,.. Các bài tập tăng cường sức mạnh cho cơ chân có thể kể đến như: Squat, tập cơ chân với động tác ngồi xổm - tay sau gáy, bài tập Lunges với tạ đơn, bài tập nâng bắp chân tư thế đứng (Calf Raise), bài tập ngồi xổm nâng bắp chân (Hole Calf Raise), nâng bắp chân tư thế ngồi.
Các hình thức tập luyện tăng sức bền, giảm nguy cơ thở hụt hơi, thở hổn hển khi leo cầu thang, chẳng hạn: khiêu vũ, aerobic, đi xe đạp, đi bộ nhanh, đi bộ đường trường, cưỡi ngựa, chèo thuyền,...
Tùy từng tình trạng khác nhau mà bạn có thể lựa chọn một hoặc nhiều bài tập phù hợp.
Như đã nói ở trên, mặc dù thở hụt hơi khi thực hiện các hoạt động gắng sức không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng và cơ thể sẽ bình thường trở lại sau khi nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nếu cảm thấy những triệu chứng bất thường kèm theo cơn khó thở, thở hổn hển khi leo cầu thang như: Chóng mặt, tê yếu một bên cơ thể, đau tức ngực, cảm giác họng bị thít chặt lại, tầm nhìn đôi, thậm chí là ngất xỉu - hãy nhanh chóng liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc khẩn cấp.
Khi cơn thở hụt hơi xảy ra, bạn có thể cải thiện tình trạng này bằng:
- Bài thở cơ hoành
Ngồi trên ghế, hai bàn chân chạm sàn và thư giãn vai, đầu và cổ, đặt tay lên bụng. Sau đó hít vào từ từ bằng mũi và cảm nhận bụng phình ra bằng bàn tay. Khi thở ra bằng mũi với môi mím chặt, hãy siết chặt các cơ bụng và cảm thấy được bụng hóp vào. Cố gắng thở ra nhiều hơn hít vào, lặp lại trong khoảng 5 phút.
- Đứng tựa lưng vào mặt phẳng
Đứng thở đúng cách là một cách giúp giảm tình trạng thở hổn hển, thở hụt hơi. Thực hiện rất đơn giản, khi cơn khó thở xảy ra, hãy hơi nghiêng người về phía trước, đứng tựa hông vào tường sao cho hai chân rộng bằng vai, hai chân để trên đùi và thả lỏng vai, thư giãn. Động tác này giúp mở không gian ngực giúp oxy dễ tràn vào phổi hơn.
- Thở mím môi
Chọn tư thế thích hợp rồi thư giãn cơ cổ và vai, từ từ hít vào bằng mũi với 2 lượt đếm, không mở miệng. Sau đó, mím môi như chuẩn bị huýt sáo rồi thở ra từ từ khi môi đang mím với 4 nhịp đếm thầm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn