Thổ Nhĩ Kỳ: Báo động số phụ nữ tử vong vì bạo lực gia đình

14:18 | 24/09/2019;
Theo tổ chức nữ quyền We Will Stop Femicide, từ đầu năm 2019 đến nay, ở Thổ Nhĩ Kỳ có hơn 285 phụ nữ đã tử vong vì bạo lực gia đình. Riêng tháng 8/2019 đã có 49 người phụ nữ bị bạo hành. Đây là một con số đáng báo động ở đất nước này.
Nghệ thuật chia sẻ nỗi đau bạo hành
 
Gần đây, người dân ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đã được xem tác phẩm nghệ thuật đặc biệt được trưng bày trên mặt tiền của một tòa nhà nằm ở trung tâm thành phố này: Có 440 đôi giày cao gót màu đen được gắn lên tường. Những đôi giày cao gót màu đen này lại mang một ý nghĩa vô cùng đau thương về số phận của những người phụ nữ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là cách nghệ sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tên là Vahit Tuna tưởng nhớ tới những người phụ nữ đã qua đời vì nạn bạo lực gia đình năm 2018.
 
Đây cũng là một cách để nâng cao nhận thức của người dân, đòi lại công bằng cho phụ nữ - những người có địa vị thấp kém ở đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. “Đó là một nỗi đau nghiêm trọng và ám ảnh người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Sức mạnh của tác phẩm này nằm ở sự tối giản, hầu như không có vật trang trí gì. Đó là lý do nó thu hút những người dân đi lại trên phố. Thông qua tác phẩm này, chúng tôi muốn gửi gắm thông điệp tới người dân về quyền của người phụ nữ”, anh Vahit chia sẻ.
 
 
Tác phẩm 440 đôi giày tưởng niệm các nạn nhân đã qua đời bị bạo lực gia đình

  

Theo tổ chức nữ quyền We Will Stop Femicide, từ đầu năm 2019 đến nay đã có hơn 285 phụ nữ đã tử vong vì bạo lực gia đình. Đây là một con số đáng báo động ở đất nước này. Chị Ayse Koruk đã chia sẻ sự bi quan của mình về nạn bạo lực gia đình sau khi chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật này: “Mỗi ngày trôi qua, nỗi sợ hãi của chúng tôi càng lớn hơn. Tôi luôn luôn quay lại đằng sau để nhìn xem có ai đang đi theo mình không”.
 
 
Tác phẩm nâng cao nhận thức về quyền phụ nữ

  

Anh Aydin Erdogan cũng là một trong những người đã dừng chân trước sự ấn tượng của tác phẩm 440 đôi giày cao gót. Anh cảm thấy rất xấu hổ vì những hành động sai trái, đi ngược lại với luật pháp của đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ đối với phụ nữ. Anh Erdogan cho biết, anh thường xuyên chỉ bảo hai con trai của anh biết cách tôn trọng và đối xử tốt với những người phụ nữ từ khi còn nhỏ. Những người phụ nữ trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang kêu gọi chính phủ áp dụng nghiêm ngặt Công ước Istanbul về phòng chống bạo lực phụ nữ và bạo lực gia đình.
 
Khó hạn chế vấn nạn
 
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực đối với phụ nữ đang tăng lên. Hơn 40% phụ nữ tại nước này phải sống trong cảnh bạo lực do chồng hay bạn tình gây ra. Bạo lực đối với phụ nữ thường liên quan đến khái niệm “danh dự” mà theo các nhà hoạt động nhân quyền, đàn ông xem phụ nữ như tài sản của họ. Họ phản đối về các chính sách phân biệt giới tính và xem nhẹ quyền của phụ nữ từ các nhà chính trị gia, các ứng cử viên đối lập với Thủ tướng đương nhiệm Recep Tayyip Erdogan. Nhà hoạt động nhân quyền trẻ tuổi Gulhan Yag nói: "Những con số cho thấy nạn bạo hành phụ nữ đang tăng khủng khiếp đến mức khó tin. Người ta cảm thấy nó giống như là tội ác diệt chủng".
 
 
Ảnh các nạn nhân bị bạo lực gia đình

  

Chị Handan Askin, nạn nhân bạo lực gia đình ở Thổ Nhĩ Kỳ, thích xem lại những bức ảnh thời trẻ. Tuy nhiên, có những ảnh chị không muốn xem và nếu được yêu cầu cho xem cũng là ảnh đã bị xé. Đó là những bức ảnh chị chụp với chồng - người đã suýt giết chết chị. "Trong suốt 10 năm chung sống, anh ta thường xuyên đánh tôi. Có một ngày tôi không bao giờ quên. Tôi đã đi làm với một bên mắt tím bầm, môi vỡ toác. Tôi vẫn phải đi làm vì không muốn mất việc, còn anh ta không làm ăn gì cả", chị Handan Askin nói.
 
Chị Handan đã không chịu nổi cuộc sống của mình và muốn bỏ chồng. Tuy nhiên, sau đó chồng chị cầm súng bắn thẳng vào chị. "Tôi bị đánh trọng thương, nằm lăn ra đất. Anh ta cầm súng dí vào mồm tôi. Tôi nghĩ thế là hết, mình sẽ chết nhưng súng không còn đạn", chị Handan Askin nói. Tuy nhiên, những vết thương của Handan đủ để chị bị liệt, còn chồng bị tù. Trên giấy tờ, họ vẫn là vợ chồng.
 
 
Một nạn nhân bị bạo hành

  

Còn cô Bahar cho biết, cuộc sống của cô đã mất tất cả từ những năm trước đây khi còn sống trong một ngôi nhà nhỏ ở trung tâm Anatolia (Thổ Nhĩ Kỳ). Cha mẹ cô ép cô kết hôn với một người anh họ. Cô đã không nghe theo và bỏ trốn cùng với người đàn ông khác hơn cô 10 tuổi. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân trở thành địa ngục vì ngay sau khi họ cưới nhau, Bahar đã chịu không biết bao trận đòn từ người chồng vũ phu.
 
 
Đám tang một nạn nhân

  

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã có một số thành tích gây ấn tượng trong đấu tranh với vấn nạn này. Từ năm 2006, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ được huấn luyện xử lý tình trạng bạo hành chống phụ nữ và hiện nay một đơn vị cảnh sát đặc nhiệm chống bạo lực gia đình đã được thành lập. Những bộ luật hình sự và dân sự được sửa đổi trong năm 2004 và 2005 nhằm gia tăng hình phạt đối với những kẻ sát nhân vì danh dự. Theo đó, những sửa đổi bổ sung đối với luật bảo vệ gia đình hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên cho phép tòa án ra lệnh cấm đối với những quan hệ ngoài hôn nhân.
 
Chính quyền nước này cũng đã thông qua một luật năm 2005 yêu cầu chính quyền các thành phố có hơn 50.000 phụ nữ phải xây dựng một ngôi nhà an toàn dành cho họ. Tuy nhiên, luật không có tính cưỡng bức cho nên chỉ có 65 nhà an toàn đang hoạt động, trong khi nếu thực hiện đúng, con số đó phải là 1.400. Các nhà hoạt động nhân quyền cũng phê phán cảnh sát không sẵn sàng hay không có khả năng giúp đỡ những phụ nữ dễ bị tấn công.
 
Biểu tình của phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ

  

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên bị phê bình về xử lý những vấn đề liên quan đến phụ nữ, bao gồm thất bại trong việc ngăn chặn tỷ lệ bạo lực gia đình cao và tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động thấp.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn