Thỏa thuận làm thêm giờ: Phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, trả lương cao hơn

11:20 | 29/05/2019;
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt, theo đó tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm). Việc làm thêm giờ được dự luật đưa ra một số quy định chặt chẽ.

Sáng 29/5, Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung báo cáo tóm tắt trước Quốc hội về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Bộ LĐTBXH là cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật, và trong hôm nay đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận về một số vấn đề trọng tâm, trong đó có vấn đề về làm thêm giờ.

Theo ông Đào Ngọc Dung, việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu của một bộ phận người lao động. Mức giờ tăng thêm được đánh giá là tương đối phù hợp, xét trên tổng hòa các yếu tố về: điều kiện kinh tế-xã hội; tính cạnh tranh của thị trường lao động và thu hút đầu tư; nhu cầu doanh nghiệp; nhu cầu, sức khỏe và yêu cầu bảo vệ tiền lương của người lao động.

 

cong-nhan-may.jpg
Ảnh minh họa 

Mức tăng giờ làm thêm này cũng chỉ áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định và vào các thời điểm nhất định (thời điểm hoàn thành đơn hàng theo mùa, vụ). 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc tăng giờ làm thêm cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động và có thể gây ra thiếu việc làm do doanh nghiệp không muốn tuyển lao động mới mà huy động người lao động hiện có làm thêm giờ.

Để khắc phục những tác động tiêu cực về làm thêm giờ và bảo bảo đảm sức khỏe trước mắt cũng như lâu dài cho người lao động, dự thảo Bộ luật quy định 4 vấn đề khá cụ thể liên quan đến quyền lợi của người lao động khi làm thêm giờ.

Thứ nhất, việc làm thêm giờ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, chỉ khi người lao động đồng ý thì doanh nghiệp mới được huy động làm thêm giờ.

Thứ hai, làm thêm giờ phải đảo đảm tổng số giờ làm việc trong một ngày không quá 12 giờ kể cả làm bình thường và làm thêm giờ.

Việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ sẽ đảm bảo nguyên tắc trả lương cao hơn. Theo đó, mức lương này ít nhất bằng 150% nếu làm thêm giờ vào ngày thường, 200% nếu làm việc vào ngày nghỉ hàng tuần và 300% nếu làm việc vào ngày nghỉ lễ, Tết.

Ngoài ra, dự thảo bổ sung quy định hai bên thỏa thuận trả lương lũy tiến cao hơn mức trên để bảo đảm ổn định và phát triển của doanh nghiệp cũng như bảo vệ quyền lợi tiền lương của người lao động và thúc đẩy thương lượng về tiền lương phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp.

Cũng theo ông Đào Ngọc Dung, Chính phủ sẽ có Nghị định quy định chi tiết về ba nguyên tắc tổ chức làm thêm quá 200 giờ bao gồm: Doanh nghiệp phải thông báo và được chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh; không được huy động người lao động làm thêm giờ trong thời gian dài liên tục và phải bố trí thời gian nghỉ giải lao hợp lý cho người lao động khi làm thêm giờ và quy định rõ các ngành nghề được mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ như một số ngành nghề gia công (dệt, may, da, giày...) và các ngành nghề sản xuất có tính thời vụ (như chế biến nông, lâm, thủy sản).

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn