Chị H. bước lên xe hoa về nhà chồng vào năm 2017. Ngay trong tháng trăng mật, chị đã phát hiện mình có bầu nhưng chỉ 42 ngày sau là bị sẩy thai, mặc dù chị không làm việc gì nặng nhọc. Ba tháng sau, chị H. có bầu trở lại. Lần này, chị rất cẩn thận giữ gìn, thậm chí trong 2 tuần đầu tiên chị còn nghỉ làm ở nhà để an thai. Thế nhưng đến ngày thứ 48, chị thấy bụng quặn đau, lập tức đến bệnh viện kiểm tra. “Bác sỹ siêu âm cho biết tôi lại bị sẩy thai. Nghe vậy, toàn thân tôi bủn rủn và òa khóc ngay trong phòng khám. Chồng tôi lo lắng hỏi: “Vợ cháu bị làm sao vậy bác sỹ?”. Bác sỹ nói: “Bây giờ chưa thể kết luận được, có thể là cơ quan sinh sản có chút vấn đề”.
Chị H. gầy rộc đi, không thiết ăn uống vì quá đau lòng. Chồng chị đi làm nhưng trưa nào cũng đảo về thăm vợ, chị biết anh ấy cũng đau đớn lắm.
Nỗi đau cũng dần dần nguôi ngoai. Đến tháng 8, chị lại thấy mình chậm kinh. Khi thử que thấy 2 vạch, niềm vui ùa đến nhưng bên cạnh đó là nỗi lo sau hai lần mất con. Chị H. quyết tâm sẽ cố gắng bảo vệ sinh linh bé bỏng này. Thế nhưng tạo hóa trêu ngươi, một lần nữa chị lại bị sẩy thai khi cái thai chưa được ba tháng. “Sau lần sẩy thai này, tôi và chồng tôi đã quyết định đến bệnh viện để tìm hiểu nguyên nhân. Bác sỹ kết luận tôi bị polyp tử cung. Tôi hơi ngạc nhiên. Chưa bao giờ tôi nghe thấy cụm từ này.
Thế nhưng sự đã tới nước này, bác sỹ nói sao thì phải làm vậy thôi. Tôi được đưa vào phòng thủ thuật để soi buồng tử cung cắt bỏ khối polyp và sau một tuần thì được ra viện. Cũng may là sức khỏe của tôi hồi phục khá nhanh. Đến đầu năm sau, tôi lại có bầu. Lần này, cả hai vợ chồng tôi đều cẩn thận hết mức có thể. Một tuần, hai tuần, một tháng, hai tháng, bốn tháng..., càng tới ngày dự sinh, tôi càng thấy lo lắng vì sợ việc cũ lại tái diễn. Cuối cùng thì mọi việc cũng diễn ra suôn sẻ, vợ chồng tôi đã thở phào nhẹ nhõm sau khi sinh con gái mẹ tròn con vuông”, chị H. chia sẻ.
Vợ chồng chị đặt tên ở nhà cho con là Đậu Xanh, hy vọng con ăn ngoan, ngủ ngoan, luôn được đón ánh mặt trời mỗi sáng sớm để vươn mình phát triển.
Những điều cần biết về polyp tử cung
Theo bác sĩ Lê Huy Tuấn (Khoa Sức khỏe sinh sản, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội), polyp tử cung là một khối u dính vào thành trong của tử cung và sa vào buồng tử cung. Polyp được hình thành từ sự phát triển quá mức của các tế bào lát mặt trong tử cung (nội mạc tử cung). Polyp có kích thước từ vài milimet (chưa bằng một hạt gạo) cho đến vài cm (bằng 1 trái bóng bàn hoặc lớn hơn). Chúng được nối vào thành tử cung bởi một chân rộng hoặc một cuống nhỏ.
Sự xuất hiện của polyp có thể liên quan tới chứng viêm hoặc rối loạn nội tiết, đặc biệt khi nồng độ Estrogen quá cao. Những phụ nữ bị polyp tử cung thường có những triệu chứng sau: Kinh nguyệt không đều, lượng kinh nguyệt lúc nhiều lúc ít, kỳ kinh kéo dài... Những cục polyp to hoặc nằm tại cổ tử cung có thể gây nhiễm trùng, hoại tử, khiến xuất hiện chảy máu âm đạo bất thường. Còn những khối polyp nhỏ thường không gây hiện tượng gì bất thường, do vậy rất khó để phát hiện khi khám lâm sàng. Những khối polyp nhỏ kiểu này có thể tự hồi phục, không cần thiết phải điều trị trừ phi người bệnh có nguy cơ bị ung thư tử cung.
Polyp tử cung không những ngăn chặn tinh trùng và trứng gặp nhau mà còn khiến phôi thai khó làm tổ và phát triển. Nếu các polyp cùng bị nhiễm trùng sẽ làm thay đổi môi trường trong buồng tử cung, không có lợi cho sự tồn tại và phát triển của phôi thai. Nếu người bệnh đã có thai thì trong đầu thai kỳ sẽ dễ bị sẩy thai do bánh nhau cung cấp lượng máu không đều cho thai nhi, còn trong cuối thai kỳ sẽ dễ sinh non do polyp chiếm chỗ phát triển của thai nhi.
Trước kia, các bác sỹ thường chẩn đoán chứng bệnh polyp tử cung bằng cách siêu âm hoặc chụp tử cung vòi trứng. Tuy nhiên, nếu lượng thuốc đưa vào cơ thể để chụp tử cung vòi trứng quá nhiều sẽ che mất khối polyp, dễ gây dính buồng tử cung. Siêu âm cần phải chờ đợi sau kỳ kinh, đồng thời sẽ dễ sót các khối polyp nhỏ. Phần lớn các khối polyp trong tử cung nhỏ, cho nên nếu áp dụng những biện pháp trên, các bác sỹ dễ nhầm lẫn mà đưa ra kết luật “tử cung bình thường”, dẫn đến điều trị vô sinh kém hiệu quả. Hiện tại, các bệnh viện đã áp dụng phương pháp mới là chẩn đoán bằng cách nội soi buồng tử cung.
Nhìn chung, phần lớn polyp là lành tính. Nếu phát hiện bị polyp tử cung, bạn cần tìm đến bác sỹ để điều trị kịp thời. Trong một số trường hợp, polyp có thể xuất hiện tái đi tái lại nhiều lần, gây khó chịu cho bệnh nhân.
Với phương pháp chẩn đoán bằng nội soi buồng tử cung, các bác sỹ sẽ đưa máy nội soi vào buồng tử cung quan sát thật kỹ mọi ngóc ngách. Sau khi loại trừ khả năng bị ung thư nội mạc tử cung, những khối polyp nhỏ, đơn phát có thể thực hiện bóc tách trực tiếp, còn những bệnh nhân khác (trẻ tuổi, có nhu cầu sinh con, có nhiều polyp...) sẽ được nạo buồng tử cung để tránh sót. Thủ thuật này được thực hiện 1 tuần sau khi sạch kinh, bởi vì tại thời điểm này lớp nội mạc tử cung khá mỏng, ít chảy máu, dễ phát hiện khối polyp. Nếu trong quá trình khám các bác sỹ nhận ra rằng polyp tử cung có chứa các tế bào ung thư thì cần thực hiện phẫu thuật để cắt bỏ tử cung. |