Thoát khỏi bệnh ung thư, doanh nhân 34 tuổi thay đổi thói quen buổi sáng

20:48 | 04/10/2022;
“Chúng ta đang dành phần lớn thời gian còn thức ở nơi làm việc theo đúng nghĩa đen. Để làm gì?"

Liya Shuster-Bier, năm nay 34 tuổi, nhập cư đến New York cùng cha mẹ vào năm 1989. Cô theo học tại Dartmouth bằng học bổng và trong suốt những năm 20 tuổi, cô đã làm việc tại Goldman Sachs (một ngân hàng đầu tư đa quốc gia ở Hoa Kỳ) và một công ty khởi nghiệp có tác động xã hội ở Boston, đồng thời cũng hoàn thành bằng MBA tại Wharton.

"Tất cả những gì xảy ra trong cuộc đời tôi là kỳ thi tiếp theo, kỳ thực tập tiếp theo, công việc tiếp theo", Cô nói.

Nhưng vào tháng 1/2018, sáu tháng sau khi tốt nghiệp trường Wharton, cô được biết mình mắc một dạng ung thư hạch hiếm gặp, một loại ung thư ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể.

"Bỗng nhiên, tôi không biết liệu mình có thể sống được tới sinh nhật 30 tuổi hay không nữa…"

Cuộc chiến kéo dài hơn một năm rưỡi của cô với căn bệnh này sau cùng đã thay đổi hoàn toàn những ưu tiên trong cuộc sống và thái độ của cô đối với công việc và cả buổi sáng của mình.

Việc sống sót sau căn bệnh ung thư đã thay đổi thái độ của doanh nhân 34 tuổi này đối với buổi sáng của mình - Ảnh 1.

Liya Shuster-Bier

Cuộc sống không nên chỉ có công việc

Khi biết được tin mình bị bệnh, Shuster-Bier đang làm việc tại công ty gây quỹ từ thiện với Dự án Overton.

Cô đã trải qua sáu đợt hóa trị để loại bỏ căn bệnh ung thư, đồng thời cố gắng duy trì cuộc sống và lịch trình làm việc bình thường ngay cả khi các bác sỹ yêu cầu cô nằm viện. "Tôi thực sự từng có giai đoạn bắt chuyến tàu đến Soho với hóa trị được đeo trên người," cô nói.

Những tưởng cuộc sống của Shuster-Bier đã trở lại bình thường, nhưng tháng 10 năm đó, căn bệnh ung thư đã tái phát. Việc điều trị sẽ yêu cầu cả xạ trị và cấy ghép tế bào gốc, điều này sẽ buộc cô ấy phải tạm dừng toàn bộ những điều mình đang làm.

Cấy ghép tế bào gốc là, "một quy trình trong đó bệnh nhân nhận được các tế bào gốc khỏe mạnh (tế bào tạo máu) để thay thế các tế bào gốc của chính họ đã bị phá hủy do điều trị bằng bức xạ hoặc hóa trị liều cao," theo Viện Ung thư Quốc gia .

"Bác sĩ bắt tôi ký một biên bản hứa rằng tôi sẽ không làm việc trong 100 ngày sau ca cấy ghép", Shuster-Bier chia sẻ.

"Tôi thậm chí không thể đi bộ xung quanh khu nhà", chức năng hô hấp rất yếu, mọi việc, dù chỉ là đọc thôi, cũng trở nên vô cùng khó khăn.

Giai đoạn đó không hề dễ dàng với cô. Từ lâu, Shuster-Bier đã là một con người của công việc, khi không làm việc, cô luôn bị bao quanh bởi những suy nghĩ kiểu như, "Tôi là ai giữa cuộc đời này?". Nhưng nó cũng khiến cô bắt đầu có những hoài nghi về suy nghĩ này của mình. 

"Chúng ta đang dành phần lớn thời gian còn thức ở nơi làm việc theo đúng nghĩa đen. Để làm gì?" cô nghĩ.

Shuster-Bier nhận ra rằng cách sống trước đó của mình, "thực sự chỉ đang hủy hoại bản thân", cô nói. "Hủy hoại sức khỏe của tôi, hủy hoại trạng thái tinh thần của tôi, đẩy tôi đến bờ vực." Khi lấy lại sức, cô bắt đầu chú ý đến việc mình ngủ bao lâu, ăn gì và dành bao nhiêu thời gian cho chồng. Cô cũng kiểm tra lại cả sức khỏe tinh thần của mình.

Thay vì tiếp tục "hủy hoại" bản thân với lối sống đầu tư 100% thời gian vào công việc như trước, cô ấy nghĩ về một thái độ mới đối với cuộc sống, "Làm thế nào để chữa lành?"

Việc sống sót sau căn bệnh ung thư đã thay đổi thái độ của doanh nhân 34 tuổi này đối với buổi sáng của mình - Ảnh 2.

Liya Shuster-Bier trong quá trình điều trị ung thư

Những thói quen chữa lành

Bệnh ung thư vú của mẹ của Shuster-Bier đã thuyên giảm chỉ vài tháng trước khi Shuster-Bier được chẩn đoán bị căn bệnh ung thư khác. Cả hai trải nghiệm khiến cô nhận ra rằng đánh bại bệnh tật không chỉ là điều trị ung thư mà còn là quản lý các triệu chứng sau khi điều trị.

Vào năm 2019, ngay sau khi bệnh thuyên giảm, Shuster-Bier thành lập Alula, một thị trường bán các sản phẩm giúp bệnh nhân ung thư kiểm soát các triệu chứng khi điều trị như buồn nôn và đau đầu. Mặc dù cuộc sống của một doanh nhân khởi nghiệp theo truyền thống là bận rộn và không ngừng nghỉ, Shuster-Bier vẫn giữ thái độ mà cô đã phát triển sau khi điều trị, cô vẫn luôn ưu tiên "sự chữa lành hàng ngày". 

Dưới đây là cách doanh nhân này xây dựng thói quen buổi sáng cho mình.

1. Thức dậy "khi nào mặt trời đánh thức cơ thể tôi"

Shuster-Bier thức dậy tự nhiên vào mỗi buổi sáng, vào khoảng từ 5:30 đến 7:45 sáng, tùy theo mùa. "Tôi thức dậy bất cứ khi nào mặt trời đánh thức cơ thể tôi," cô nói.

Shuster-Bier từng sử dụng chuông báo thức nhưng cô phát hiện ra mình khó ngủ trong thời gian xảy ra đại dịch. "Tôi thức dậy nhưng thấy mình liên tục mệt mỏi," cô nói. Cuối cùng, một huấn luyện viên về giấc ngủ đã đề nghị cô ấy thử thức dậy một cách tự nhiên mà không có đồng hồ báo thức.

Ban đầu nó khá khó khăn. Cô dần dần cũng hình thành cho mình thói quen đi ngủ sớm, khoảng 10 giờ tối, mỗi đêm. Và kết quả là cô ấy thấy mình tỉnh táo hơn nhiều trong ngày.

Việc sống sót sau căn bệnh ung thư đã thay đổi thái độ của doanh nhân 34 tuổi này đối với buổi sáng của mình - Ảnh 3.

Shuster-Bier thức dậy tự nhiên vào mỗi buổi sáng...

2. "Tôi cố gắng đi bộ 50% số bước hàng ngày của mình vào buổi sáng"

Sau đó, Shuster-Bier đi ra ngoài đi bộ cùng chú chó của mình. 

Đầu tiên, "nó hỗ trợ nhịp sinh học của bạn để đón nhận ánh sáng mặt trời ngay khi bạn thức dậy," cô nói. Các nghiên cứu cũng ủng hộ lý thuyết này.

Và thứ hai, nó đảm bảo cô ấy được tập thể dục và vận động trong ngày. Cô nói: "Tôi cố gắng đi bộ 50% tổng số bước hàng ngày của mình vào buổi sáng."

"Có một số nghiên cứu cho thấy nhịp điệu có thể giúp tập trung con người và giúp họ bình tĩnh lại", Chanel Dokun, một chuyên gia về mối quan hệ và kế hoạch cuộc sống có trụ sở tại Thành phố New York, trước đây đã nói với CNBC Make It. "Vì vậy, khi bạn đi bộ, bạn có được nhịp điệu và không khí trong lành, nó có tác dụng thực sự tốt."

Việc sống sót sau căn bệnh ung thư đã thay đổi thái độ của doanh nhân 34 tuổi này đối với buổi sáng của mình - Ảnh 4.

...và gọi điện cho những người cô quan tâm mỗi ngày.

3. "Tôi cố gắng gọi cho một người bạn vào mỗi buổi sáng"

Shuster-Bier cũng tranh thủ khoảng thời gian buổi sáng để kết nối với người mình yêu thương. "Tôi cố gắng gọi cho một người bạn vào mỗi buổi sáng, thường là từ 8:30 đến 9:15", cô nói. Đôi khi cô ấy cũng nhắn tin cho bố mẹ và chị gái của mình.

Shuster-Bier nói rằng "Sự thân mật, cảm giác thân thuộc và cảm giác yêu thương" đã trở thành ưu tiên hàng đầu kể từ khi cô ấy bị ung thư. Dành năm phút để nhắn tin cho một người thân yêu đã được chứng minh là có thể làm tăng hạnh phúc của bạn.

Sau đó Shuster-Bier làm bữa sáng, uống cà phê, cập nhật tin tức và ghi lại những cuộc họp liên tục trong ngày lúc 10 giờ sáng.

Sau khi hoàn thành tất cả những công việc đó, "tôi cảm thấy mình có thể bắt đầu làm việc với nguồn năng lượng rất cần thiết", cô nói.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn