Thoát khỏi rối loạn giấc ngủ kinh niên mà không cần dùng thuốc

10:07 | 25/02/2019;
Từ việc chỉ ngủ được 3-4 tiếng mỗi đêm trong nhiều năm liền, người phụ nữ 44 tuổi đã có thể ngủ được 6-7 tiếng mỗi đêm sau hơn 2 tuần điều trị bằng phương pháp mới không cần dùng thuốc.
Bệnh nhân là chị N.T.H (44 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM) bị rối loạn giấc ngủ nhiều năm liền, ban đêm chị chỉ ngủ được từ 3-4 tiếng và giấc ngủ thường chập chờn, không sâu.
 
Theo chị H, việc mất ngủ kéo dài khiến cuộc sống của chị bị ảnh hưởng rất nhiều. “Tôi rất lo lắng nếu để kéo dài không điều trị sẽ dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm khác, đặc biệt là khi tôi cũng đã ở lứa tuổi trung niên. Tôi đã đi khám ở nhiều nơi tuy nhiên đa phần bác sĩ đều kê đơn thuốc mà tôi lại không muốn sử dụng và lệ thuộc vào thuốc”, nữ bệnh nhân chia sẻ.
 
Tại Bệnh viện Gia An 115 (TP.HCM), các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân thực hiện các dịch vụ cận lâm sàng để tìm hiểu nguyên nhân. Qua phim chụp X-quang, chị H. được chẩn đoán bị trượt đốt sống cổ C5 và C6, dẫn đến hội chứng chèn ép rễ tủy cổ khiến máu không lưu thông lên não gây rối loạn giấc ngủ.
 
Các bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân sử dụng kết hợp máy từ trường, máy trị liệu bằng sóng âm, máy kích thích điện và kéo giãn cột sống. Sau 2 tuần điều trị, hiện giấc ngủ của chị H. đã sâu hơn, đêm về ngủ được từ 6 - 7 tiếng.
 
Bác sĩ cho biết, điều trị rối loạn giấc ngủ bằng máy từ trường là phương pháp mới, không dùng thuốc. Theo đó, các bác sĩ điều chỉnh tần số, cường độ phù hợp làm dịu các xung kích thích thần kinh giúp người bệnh an thần, tạo thuận vào giấc ngủ sinh lý, giúp người bệnh ngủ nhanh hơn, chất lượng giấc ngủ tốt hơn.
 
2.JPG
Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ

 

Đồng thời chị H. đã được các bác sĩ áp dụng phương pháp kéo giãn cột sống cổ và máy kích thích điện nhằm mục đích giãn cơ, tăng tuần hoàn máu vùng cột sống cổ, đưa ôxy và dinh dưỡng lên não kết hợp trị liệu bằng sóng siêu âm để đẩy mạnh khả năng tự làm lành và phục hồi mô của cơ thể.
 
Ths.Bs Phạm Tiến Phương, khoa Nội thần kinh - đột quỵ, Bệnh viện Gia An 115 cho biết, giấc ngủ quan trọng trong cuộc sống. Trung bình mỗi người dành 8 tiếng/ngày để ngủ. Tuy nhiên, có đến 30% người lớn tuổi bị rối loạn giấc ngủ, trong đó mất ngủ là biểu hiện của tình trạng rối loạn giấc ngủ thường gặp nhất. Người bị rối loạn giấc ngủ sẽ bị mệt mỏi, dễ nóng giận, hay do dự, quên và ảo giác.
 
Theo bác sĩ Phương, người bệnh có sẵn các bệnh lý nội khoa như hô hấp, tim mạch, tiểu đường… thì dễ bị rối loạn giấc ngủ. Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai và có con nhỏ, do rối loạn nội tiết tố nên có thể làm cho tình trạng rối loạn giấc ngủ trở nên trầm trọng hơn.
 
“Nếu tình trạng mất ngủ kéo dài ít nhất 3 ngày/tuần và kéo dài trong khoảng 3 tháng thì nên đi khám và điều trị”, bác sĩ Phương nhấn mạnh.
 
Trong khi đó, BS.CKI Trần Quốc Tuấn cho biết, hiện nay, nhiều người tự ý dùng thuốc chữa mất ngủ. Việc này có thể gây ra tình trạng lệ thuộc thuốc, khiến cho việc điều trị khó khăn hơn; thậm chí là dẫn đến các biến chứng về tim, gan, thận, thần kinh…
 
Theo bác sĩ Tuấn, để có một giấc ngủ ngon thì phải thức giấc đúng giờ hằng ngày, giới hạn thời gian nằm trên giường ở mức bình thường, ngưng sử dụng các chất kích thích, tập thể dục hằng ngày… Đặc biệt, hãy quên đi những chuyện trong công việc, tiền bạc và cả những lo âu trong cuộc sống trước khi đi ngủ. Bên cạnh đó, cần hạn chế xem tivi và điện thoại trước khi  đi ngủ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn