Thoát nghèo nhờ tổ hợp chanh muối

17:00 | 08/06/2016;
Hai năm nay, Tổ hợp tác chanh muối ở xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, Hậu Giang, do chị Lâm Thị Kim Phượng làm Tổ trưởng đã giúp nhiều chị em thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Mở rộng làng nghề

Chị Lâm Thị Kim Phượng gắn bó với nghề làm chanh muối từ tấm bé. Tuy nhiên, gia đình chị vào diện hộ nghèo. Lập gia đình, chị Phượng cũng chưa thể vươn khá giả được vì không cơ sở làm ăn, thiếu vốn sản xuất. Không chịu thua số phận, vợ chồng chị vẫn chí thú làm ăn, phát triển nghề làm chanh muối. Hội LHPN xã Tân Phú Thạnh đã giúp chị vay số tiền 5 triệu đồng phát triển sản xuất. Sẵn có “nghề gia truyền” làm chanh muối chị Phượng đã dùng số tiền đó đầu tư mua nguyên liệu, máy chà chanh để phát triển quy mô sản xuất. Nhờ sử dụng vốn đầu tư hiệu quả, sản phẩm được tiêu thụ quanh năm, dễ bảo quản, chất lượng tốt nên đến năm 2012, gia đình chị Phượng đã vươn lên hộ khá, với mức thu nhập từ vài chục triệu đồng lên hơn 100 triệu đồng/năm.

Gia đình chị Phết thu nhập hàng chục triệu đồng/năm nhờ nghề làm chanh muối

Dù thoát nghèo nhưng chị Phượng vẫn không quên giúp đỡ những chị em cùng cảnh ngộ. Sau nhiều lần dự sinh hoạt Hội, đến đầu năm 2014, chị Phượng đã đề xuất với Hội LHPN xã thành lập Tổ hợp tác làm chanh muối. Nhận thấy tâm huyết của người phụ nữ này, từ nguồn vốn của Đề án 295 “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm” của Hội LHPN Việt Nam, các cấp hội phụ nữ từ tỉnh, huyện, xã đã chung sức cùng chị Phượng giúp đỡ hội viên nghèo. Cũng từ đó, nghề làm chanh muối được mở rộng, phát triển thêm quy mô sản xuất. Từ mô hình của chị Phượng, năm 2013, xã Tân Phú Thạnh phát triển lên 8 hộ, đến năm 2014, Tổ hợp tác thu hút số lượng hội viên phụ nữ tham gia tăng gấp 3 lần. Từ khi vào tổ, 25 thành viên đã được chị Phượng hướng dẫn, truyền nghề làm chanh muối rất nhiệt tình, từ khâu lựa chanh, chà vỏ, ướp chanh đến cả việc lo “đầu ra” của sản phẩm. Quy mô làng nghề chanh muối được mở rộng đáng kể. Mỗi năm, Tổ hợp tác xuất bán khoảng 300 tấn chanh, với lợi nhuận hơn 2 tỉ đồng; thu nhập bình quân mỗi tổ viên khoảng 50 triệu đồng/năm.

Cùng nhau làm giàu

Từ sáng kiến của chị Phượng mà 25 thành viên của tổ còn được Trung ương Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ 25 giàn máy chà chanh (mỗi máy khoảng 5 triệu đồng) và thùng phuy nhựa dùng để chứa chanh. Nhờ đó, những động tác làm thủ công như trước đây đã được thay thế bằng trang thiết bị, máy móc. Quy trình sản xuất chanh muối được khép kín với máy chà chanh, giúp tăng năng suất lao động, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm,…

Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Phú Thạnh Nguyễn Thị Thùy Trinh cho biết: “Nhờ sự tích cực học hỏi lẫn nhau cũng như sự hỗ trợ của hội LHPN huyện, tỉnh mà nhiều hội viên phụ nữ ở xã Tân Phú Thạnh đã thoát nghèo và vươn lên trở thành khá giả nhờ nghề làm chanh muối. Với cách làm này, nghề làm chanh muối không chỉ phát huy hiệu quả kinh tế mà còn tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ gia đình đang sinh sống bằng nghề làm chanh muối, giữa đơn vị cung ứng chanh nguyên liệu với tổ hợp tác và đơn vị tiêu thụ, qua đó đảm bảo giá cả và đầu ra ổn định”.

 Chị Phượng chuẩn bị giao hàng cho khách hàng

Giờ đây, 2 hộ nghèo của Tổ hợp tác đã thoát nghèo. Tổ đã xóa trắng hộ nghèo từ 2 năm qua cũng nhờ nghề chanh muối. Chị Huỳnh Thị Phết, ở ấp Thạnh Lợi, là một hộ thoát nghèo với nghề làm chanh muối, phấn khởi khoe: “Nhờ có nghề này nên gia đình tôi hết nghèo mấy năm nay. Giờ đây, với tay nghề sẵn có và sự hỗ trợ máy móc của hội phụ nữ mà mỗi năm, gia đình tôi cũng bán được khoảng 3 tấn chanh muối, thu về lợi nhuận cũng khoảng 40 triệu/năm. Cuộc sống giá đình bây giờ ổn định, khấm khá nhiều”.

Chị Lâm Thị Kim Phượng chia sẻ: “Tôi rất vui mừng vì nghề gia truyền của mình đã giúp được nhiều người, đạt được hiệu quả ngoài mong đợi. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục dạy nghề cho nhiều chị em hội viên ở địa phương khác; vận động thêm chị em tham gia vào Tổ hợp tác để nhân rộng mô hình”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn