Thời con cái giám sát cha mẹ

14:56 | 15/11/2024;
Năm ngoái, khi đang dùng bữa tại một nhà hàng ở Ohio (Mỹ), Sherry Howard, 53 tuổi, nhận được cuộc gọi từ cô con gái 28 tuổi, nhờ mua đồ ăn của nhà hàng mang về. Howard lúc đó rất sửng sốt, không phải vì việc mua đồ ăn mà vì con gái biết bà đang ở đâu.

Hóa ra Howard đã bị theo dõi vị trí của mẹ trong suốt 2 năm mà bà không hay biết. Chuyện bắt đầu khi con gái kích hoạt tính năng "Find My People" trên điện thoại của Howard khi bà tham gia chuyến du lịch một mình đến vùng Caribe.

Khi các con còn nhỏ, trước khi điện thoại thông minh xuất hiện, Howard luôn giám sát các con gắt gao. "Nếu bọn trẻ về trễ 15 phút, tôi sẽ nhìn ra cửa sổ ngóng đợi hoặc gọi cho bạn bè của chúng", bà chia sẻ. Các con của Howard đều hiểu rằng nếu về muộn, mẹ sẽ "phát điên", nên họ luôn về nhà đúng giờ.

Trên TikTok, Howard chia sẻ nỗi bất bình khi bị con cái theo dõi vị trí: "Thông điệp này dành cho tất cả những đứa con trưởng thành ngoài kia. Hãy ngừng theo dõi bố mẹ mình!". Bài đăng nhanh chóng lan truyền, thu hút hàng triệu lượt xem với nhiều bình luận từ những người con cho biết, họ cũng theo dõi bố mẹ mình.

Đảo ngược vai trò

Nhiều ông bố, bà mẹ từ lâu đã sử dụng ứng dụng theo dõi vị trí để giám sát con cái. Thế hệ Millennial và Z cũng đang sử dụng công nghệ để theo dõi bố mẹ mình. Trong một số gia đình, việc sử dụng các ứng dụng "Find My People" và Life360 trở nên phổ biến, được xem là cách để duy trì kết nối và đảm bảo an toàn cho cha mẹ lớn tuổi. 

Tuy nhiên, nếu mối quan hệ giữa các thành viên trở nên căng thẳng hoặc việc theo dõi diễn ra khi không có sự đồng ý, nó mang tính tiêu cực.

Kacy Shafer, 29 tuổi, lớn lên ở bang Tây Virginia (Mỹ), cho biết bố mẹ cô có phong cách bảo bọc con. Là con một và có bố phục vụ trong quân đội, Shafer chủ yếu tuân theo các quy tắc do mẹ đặt ra. Cô không được phép tuỳ ý đi đâu, luôn phải gọi điện báo cho bố mẹ và để họ đi cùng. 

Dù công nghệ định vị chưa có khi cô còn nhỏ, bố mẹ Shafer vẫn kiểm soát chặt việc sử dụng điện thoại, quy định rõ ràng thời gian và đối tượng mà cô có thể giao tiếp. Giờ đây, khi đã trưởng thành, Shafer lại theo dõi vị trí của mẹ mình. 

"Thật buồn cười khi mọi thứ đảo ngược như thế", cô nói. Shafer cảm thấy an tâm hơn khi theo dõi được vị trí của mẹ, người đã 61 tuổi, ít nhất một lần mỗi ngày. Mẹ cô thoải mái với điều này.

Thời con cái giám sát cha mẹ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Những lời hỏi thăm bất ngờ

Stephiney Foley, 37 tuổi, cũng có bố mẹ nghiêm khắc. Khi cô 8 tuổi, gia đình đã chuyển từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến New York (Mỹ). Foley mô tả phong cách nuôi con của bố mẹ mình là áp đặt, liên tục giám sát hoạt động của cô. 

Giống như Shafer, Foley đang theo dõi bố mẹ cô, những người đã ở độ tuổi 60 và 70, chủ yếu vì lý do an toàn. Có lần mẹ cô bị lạc đường khi lái xe ở Great Smoky Mountains (Tennessee), Foley đã giúp bà tìm đường ra khỏi đó. 

"Vai trò đã bị đảo ngược, tôi giống như bố mẹ ngày đó vậy", Foley chia sẻ. Việc định vị giúp cô, dù sống ở Seattle, vẫn cảm thấy gắn bó với bố mẹ sống ở Florida và sẵn sàng giúp đỡ họ trong trường hợp khẩn cấp.

Kelley Roebuck, 46 tuổi, sống ở Illinois, đã cài ứng dụng định vị trên điện thoại của con trai khi cậu học trung học cơ sở, sau khi cậu bị mất điện thoại hai lần. Ban đầu, đó chỉ là cách để theo dõi thiết bị nhưng theo thời gian, nó đã trở thành một phần quan trọng hơn trong cuộc sống của họ. 

Con trai Roebuck, hiện 20 tuổi, cũng đang theo dõi vị trí của mẹ. Khi Roebuck đi đâu đó xa nhà, cậu thường gọi hỏi thăm.

Hai mẹ con Roebuck hiện theo dõi nhau qua ứng dụng. Khi con trai ra ngoài muộn, cô kiểm tra ứng dụng để đảm bảo rằng cậu ở nơi an toàn. Ngay cả bạn thân của con trai cũng muốn chia sẻ vị trí với Roebuck và cậu ấy đã được thêm vào gói Life360 của gia đình khi học trung học.

Nhiều năm sau, bạn của con trai bất ngờ gọi hỏi thăm Roebuck khi cô ra ngoài muộn. Điều này khiến cô khá bất ngờ. "Tôi quên mất là mọi người vẫn còn dùng ứng dụng đó", Roebuck cười nói.

Cảm giác khó chịu

Không phải tất cả những đứa con trưởng thành đều có quan điểm trung lập về việc bị bố mẹ theo dõi khi còn nhỏ. Gabrielle Lask, hiện 25 tuổi, bị mẹ theo dõi kể từ khi có điện thoại ở tuổi 13. Dù biết rằng mẹ làm như vậy là vì quan tâm mình, Lask vẫn cảm thấy khó chịu và đôi khi cho rằng điều đó là xâm phạm quyền riêng tư.

Lask cho biết, mẹ là người bảo vệ cô quá mức. Bà thường nhắn tin hỏi về nơi và việc Lask đang làm, dù bà cũng theo dõi vị trí của cô. Giờ đây, khi đã trưởng thành và sống tự lập, Lask cảm thấy mẹ không còn sử dụng ứng dụng vì lý do an toàn mà đã trở thành một hình thức xâm phạm quyền riêng tư. 

Có lần, Lask chặn mẹ truy cập vào vị trí của mình, khiến bà phát hoảng. Cuối cùng, cô đồng ý khôi phục tính năng theo dõi nhưng nói rõ với mẹ rằng, bà chỉ nên sử dụng nó vì lý do an toàn, không phải để kiểm soát mọi hoạt động của cô.

Trái ngược với những lo lắng thái quá của mẹ, Lask không có thói quen theo dõi vị trí của mẹ mình. Cô giải thích rằng không cần phải làm vậy vì mẹ hiếm khi ra ngoài và thường xuyên liên lạc với cô qua tin nhắn hoặc cuộc gọi.

Tiến sĩ Kanchi Wijesekera, một nhà tâm lý học lâm sàng ở California, giải thích rằng, việc theo dõi con cái gắt gao có thể khiến chúng cảm thấy ngột ngạt và không được tin tưởng. Hành vi này có thể làm căng thẳng mối quan hệ cha mẹ - con cái, đặc biệt là khi trẻ lớn lên và bắt đầu đặt ra ranh giới. 

Nếu cả trẻ em và cha mẹ đều cảm thấy không được lắng nghe, điều này có thể tạo ra khoảng cách giữa họ. Tuy nhiên, nếu mối quan hệ bền chặt, con trẻ có thể hiểu rõ hơn về ý định tốt của cha mẹ.

Trong một số trường hợp, những tình huống này có thể dẫn đến cuộc trò chuyện tích cực. Khi Julianne Goldfinger 15 tuổi, mẹ cô đã đặt mua bản sao giấy tin nhắn của cô từ nhà cung cấp dịch vụ di động vì bà lo lắng rằng mình biết quá ít về cuộc sống của con gái.

Tuy nhiên, Goldfinger cảm thấy điều này là xâm phạm quyền riêng tư. Cô phản đối và cho biết hành động của mẹ phá vỡ lòng tin trong cô, điều này khiến mẹ nhận ra rằng Goldfinger đã lớn và cần sự riêng tư. 

Goldfinger, hiện 35 tuổi, nói: "Đó là một bước ngoặt. Mẹ nhận ra tôi đã trưởng thành và cần một chút không gian". Hiện tại, cô và bố mẹ cô theo dõi vị trí của nhau và điều này không làm cô bận tâm vì cô có thể nói chuyện cởi mở với mẹ.

"Ngôn ngữ" mới của tình yêu

Một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Pew công bố đầu năm 2024 cho thấy, hơn 70% người có con từ 18 đến 34 tuổi thường xuyên trò chuyện với con qua điện thoại ít nhất vài lần một tuần. Ngày càng nhiều phụ huynh theo dõi vị trí của con khi học đại học để giúp xoa dịu nỗi lo về sự xa cách.

Theo dõi vị trí là một thay đổi lớn so với các cuộc gọi hàng tuần hoặc hàng tháng đã chi phối mối quan hệ cha mẹ - con cái trong quá khứ. Tuy nhiên, nhiều gia đình hiện nay lại ưa chuộng sự tương tác này. Đối với họ, việc chia sẻ vị trí chỉ đơn giản là cách để duy trì kết nối.

Howard, sau khi vượt qua cú sốc ban đầu khi bị theo dõi mà chưa được sự đồng ý, bắt đầu nhận ra sức hấp dẫn của công nghệ này. "Con gái tôi vừa mới ra khỏi thị trấn cách đây vài tuần và tôi thấy định vị đang ở trên đường I-75. Tôi nghĩ trong đầu rằng con bé lái xe nhanh quá", bà chia sẻ. Howard cho biết việc theo dõi giúp bà an tâm rằng con mình không gặp nguy hiểm.

Tiến sĩ Wijesekera cho biết, thái độ xung quanh việc theo dõi thường được hình thành từ lòng tin và giao tiếp. "Nếu họ có mối liên kết thực sự chặt chẽ, sẽ dễ dàng hơn để nhìn nhận điều đó từ góc độ tích cực, thay vì xem là biểu hiện của thiếu lòng tin, xâm phạm và áp đặt", cô nói.

Điều này đặc biệt đúng với Joy Loverde, một phụ nữ 72 tuổi theo dõi và chia sẻ vị trí với cô con gái 49 tuổi và 2 người cháu trưởng thành. "Chúng tôi đã sớm làm điều đó. Chúng tôi chỉ muốn gần nhau hơn", Loverde, sống ở Illinois, cho biết. 

Giờ đây, Loverde, con gái và cháu gái đều theo dõi vị trí của nhau. Họ làm điều này không chỉ để giữ kết nối mà còn để hiểu thêm về cuộc sống của người thân. Đối với những gia đình này, việc chia sẻ vị trí đơn giản là một "ngôn ngữ" tình yêu mới.

Theo một cuộc thăm dò năm 2022 của "The Harris Poll" và "The New York Times", cứ 6 người được hỏi thì có 1 người luôn bật tính năng chia sẻ vị trí và 37% trong số những người sử dụng ứng dụng "Find My People" cho biết tính năng này khiến họ cảm thấy an toàn hơn. Ứng dụng Life360, với 50 triệu người dùng hoạt động trong năm qua, đã ghi nhận lượt tải xuống tại Mỹ tăng gấp đôi kể từ năm 2021, đặc biệt là ở người dùng Gen Z.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn