Huyết áp là chỉ số thể hiện áp lực máu trong lòng động mạch vận chuyển máu đến nuôi dưỡng mọi cơ quan trong cơ thể. Huyết áp được hình thành bởi lực co bóp của tim cộng với sức cản của mạch máu. Chỉ số này không cố định mà biến động theo hoạt động, cảm xúc của cơ thể. Vậy thời điểm kiểm tra huyết áp chính xác nhất là khi nào?
Khi thực hiện đo huyết áp bằng các máy điện tử, bạn sẽ thấy kết quả hai chỉ số huyết áp tối đa và tối thiểu (hay còn gọi là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương).
Theo Hiệp hội tăng huyết áp quốc tế, huyết áp tâm thu thường dao động trong khoảng từ 90 -140 mmHg, trong khi đó huyết áp tâm trương bình thường dao động trong khoảng 60 – 90 mmHG. Khi các chỉ số kể trên cao hơn trong mức bình thường thì được chẩn đoán mắc bệnh cao huyết áp.
Huyết áp là một thông số giúp phản ánh trạng thái cân bằng động học của nhiều quá trình sinh lý diễn ra trong cơ thể. Do đó, huyết áp không phải là một chỉ số cố định mà thường thay đổi theo các hoạt động, theo tình trạng sức khỏe hoặc cảm xúc tại thời điểm thực hiện đo.
Vì thế mà đây cũng chính là lý do khiến nhiều người khó nhận ra được mình bị huyết áp cao. Bạn nên tham khảo Dấu hiệu huyết áp cao sớm và cách nhận biết.
Chỉ cần hoạt động nhẹ như thay đổi vị trí, hút thuốc lá, uống cà phê, có cảm xúc xúc động cũng làm huyết áp tăng lên. Và thông thường, huyết áp sẽ có xu hướng tăng cao hơn và buổi sáng và thấp hơn vào các thời điểm khác trong ngày. Và thời điểm huyết áp thấp nhất thường là lúc bạn chìm sâu vào giấc ngủ.
Tuy nhiên, cơ thể lại có khả năng điều chỉnh huyết áp về chỉ số cân bằng sau mỗi lần bạn thay đổi cảm xúc hoặc hoạt động. Nếu mất đi khả năng điều chỉnh, chỉ số huyết áp bị tăng quá cao hoặc xuống quá thấp được chẩn đoán là tình trạng bệnh lý về huyết áp.
Chính vì là chỉ số không cố định nên nắm bắt kiến thức về thời điểm kiểm tra huyết áp tốt nhất là điều vô cùng quan trọng và cần thiết. Nếu lựa chọn thời điểm kiểm tra huyết áp và đọc kết quả đúng, bạn sẽ kết luận được bản thân có bị cao huyết áp hay cao huyết áp đột ngột hay không.
Theo đó, bạn nên chọn nhiều thời điểm kiểm tra huyết áp khác nhau trong ngày và nhiều ngày ngày liên tục. Hãy ghi nhớ các mốc thời điểm và ghi chép cẩn thận, cả chỉ số huyết áp tâm trương lẫn tâm thu.
Theo các chuyên gia y tế, khi thực hiện đo huyết áp tại nhà, bạn nên đo ngay khi vừa ngủ dậy trước khi bước xuống giường là tốt nhất. Nếu được chỉ định theo dõi nhiều lần trong ngày, hãy thực hiện vào các thời điểm giống nhau của mỗi ngày để có được căn cứ chính xác trong việc so sánh kết quả.
Ngoài ra, vào thời điểm kiểm tra huyết áp, hãy chắc chắn rằng cơ thể bạn đã được nghỉ ngơi ít nhất 5 phút và tinh thần tuyệt đối thoải mái; và không nên nói chuyện giữa các lần đo huyết áp gần nhau để tránh sai số. Tuyệt đối không đo huyết áp sau khi ăn quá no hoặc lúc quá đói, đang buồn đi tiểu hoặc sau khi dùng các chất kích thích.
Khi đo huyết áp, nên thực hiện khi ngồi hoặc nằm ở tư thể thoải mái nhất làm sao để máy đo huyết áp được đặt đúng vị trí bắp tay hoặc trên cổ tay ngang với tim; người đo không nên mặc áo quá chật, nên thoải mái để tránh cho ra các kết quả tăng huyết áp ảo.
Tốt nhất, hãy đo huyết áp 3 lần liên tiếp, mỗi lần cách nhau khoảng 1 phút và kết quả sẽ là số trung bình giữa 2 lần đo sau cùng. Nên đo cùng lúc cả hai tay và chọn kết quả huyết áp cao hơn.
Tóm lại, khi đã nhận thức được mức độ nguy hiểm của các biến chứng do cao huyết áp, bạn hãy chọn thời điểm kiểm tra huyết áp thích hợp và đều đặn để đảm bảo theo dõi chỉ số này chính xác. Ngoài ra, nên tuân thủ điều trị và lời khuyên về chế độ dưỡng của bác sĩ để giữ được chỉ số huyết áp ổn định.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn