Thói quen ăn cơm hâm lại gây nguy hại thế nào cho sức khỏe

08:00 | 31/05/2019;
Bận công việc nên chị Vân Anh (Lào Cai) thường gửi con sang ông bà ngoại để đi làm. Bé Phương Nhi năm nay 6 tuổi, mới nghỉ hè được vài ngày đã bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa.
Tuy nhiên gia đình chỉ ra hiệu thuốc để mua thuốc về uống mà không đi khám bác sỹ. Vừa mới khỏi được hai ngày, Phương Nhi lại bị đau bụng, chị Vân Anh liền đưa con đi khám thì được biết bé bị rối loạn tiêu hóa do thức ăn không đảm bảo.
 
4272282_cover_gaolut.jpg
Đảm bảo dinh dưỡng hợp lý trong những ngày nắng nóng là rất cần thiết để giúp cho trẻ tăng trưởng tốt, không nên cho trẻ ăn cơm nguội.

 

Bà ngoại của bé cho biết, do cả ngày phải bán hàng ngoài chợ nên sáng sớm bà nấu cơm và thức ăn cho cả nhà, trưa bà tranh thủ về hâm lại thức ăn cho bé ăn, chiều vẫn còn đồ ăn, bà lại hâm nóng cho cả nhà ăn tiếp cho hết. Người lớn trong gia đình thì không sao, chỉ có bé Phương Nhi thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa.
 
NGND.PGS.TS. Phạm Ngọc Khái, GVCC Trường Đại học Y Dược Thái Bình, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, cho biết, việc thổi cơm, nấu thức ăn từ sáng để ăn nhiều bữa trong ngày, thậm chí có khi cơm nguội còn để sang ngày hôm sau cho tiện là thói quen thường gặp ở nhiều gia đình nhưng họ đều không biết rằng như vậy là có hại cho sức khỏe của cả trẻ em và người lớn.
 
Trong cơm nguội đã mất gần hết nguồn vitamin nhóm B, nhất là vitamin B1 rất quý sẵn có trong cơm. Các món ăn nấu sẵn để nguội trong ngày cũng đều hao hụt vitamin và nhiều chất dinh dưỡng khác. Điều này diễn ra nhanh hơn trong mùa hè vì nhiệt độ cao trong những ngày nắng nóng sẽ là điều kiện rất thuận lợi cho các vi khuẩn, bào tử nấm trong không khí bám vào thức ăn mà phát triển nhân lên, trong đó có cả vi khuẩn gây bệnh, nấm gây ung thư. Hơn nữa, người ta thường cho thêm nước mắm, muối để có thể bảo quản món ăn nguội, tạo ra thói quen ăn mặn, sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp trong gia đình.
 
Đối với cơ thể trẻ em vốn đã rất nhạy cảm với những biến đổi của môi trường sống, nay lại gặp trời nóng sẽ ra nhiều mồ hôi làm mất nước và điện giải, máu bị cô đặc hơn, trẻ khát nước sẽ uống nhiều. Uống nhiều nước sẽ pha loãng dịch vị, phá vỡ hàng rào bảo vệ từ đường ruột. Trong trường hợp bé Phương Nhi bị rối loạn tiêu hóa mà bà ngoại tự ý mua thuốc là không nên mà phải đưa bé đi khám để được tư vấn điều chỉnh chế độ ăn điều trị cho trẻ.
 
Đảm bảo dinh dưỡng hợp lý trong những ngày nắng nóng là rất cần thiết để giúp cho trẻ tăng trưởng tốt. Những người chăm nuôi trẻ cần chú ý không nên mắc những sai sót như bà ngoại cháu Phương Nhi. Ngoài ra, BS. Phạm Ngọc Khái khuyên cần chú ý một số điểm như sau:
 
- Cần chú ý ngay từ khâu lựa chọn thực phẩm đưa vào bữa ăn phải là thực phẩm an toàn, thực phẩm tươi sống, có nguồn gốc rõ ràng, không dùng thực phẩm đã có dấu hiệu hư hỏng như: thịt ôi thiu, cá ươn, thịt súc vật bị bệnh, rau quả bị héo… Không lạm dụng những chất tạo hương vị, màu sắc để hấp dẫn trẻ em ăn, nhất là khi không biết rõ xuất xứ của các chất phụ gia đó.   
 
- Cho trẻ em ăn nóng, nấu bữa nào ăn bữa đó, bữa ăn của trẻ em cần chế biến thành các món nấu chín, nhừ dễ tiêu. Bên cạnh việc cho trẻ ăn cơm với thức ăn giầu chất đạm như thịt, cá, trứng, tôm tép… thì chú ý bữa ăn phải có rau xanh.
 
- Nên chọn loại rau xanh nhiều lá sẽ chứa nhiều diệp lục tố, vitamin và chất khoáng cần thiết cho trẻ em. Bữa ăn cần có món canh và nước hoa quả để bồi phụ nước, điện giải cho trẻ. Nên chọn những loại rau củ quả có tính mát, ít ngọt cho trẻ ăn.
 
- Không cho trẻ uống các đồ uống đóng chai có ngọt hoặc có ga. Cần hạn chế cho trẻ ăn đồ ngọtnvà không nên cho đồ ngọt trước khi đi ngủ.
 
- Nếu trẻ em có bất kỳ dấu hiệu nào về đường tiêu hóa, biếng ăn… trong những ngày nắng nóng đều cần đưa trẻ đi đến bác sỹ để được khám, tư vấn và điều trị, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn