Thói quen ăn ốc ngon giòn làm tăng nguy cơ nhiễm sán đục phá lá gan

11:39 | 21/06/2023;
Ốc luộc là món ăn yêu thích của rất nhiều người. Tuy nhiên, món ăn này nếu không được chế biến cẩn thận sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng.

Nguy cơ nhiễm ký sinh trùng 

Theo TS.BS Trần Huy Thọ - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn (Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, Hà Nội) - trong quá trình khám và điều trị cho bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng, bác sĩ đã gặp không ít những trường hợp đi ăn ốc luộc thường xuyên hàng tuần và bị nhiễm sán lá gan nhỏ.

Một trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm sán lá gan nhỏ chia sẻ bản thân không bao giờ ăn đồ ăn sống như gỏi cá hay tôm. Tuy nhiên, khi khai thác kỹ hơn, bệnh nhân có chia sẻ với bác sĩ rằng bệnh nhân thường xuyên cùng bạn bè đi ăn ốc luộc ngoài hàng vào mỗi dịp cuối tuần.

Bác sĩ Thọ cho biết, ốc là một món ăn ngon được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, nếu chế biến chưa đúng cách có thể tăng nguy cơ nhiễm kỹ sinh trùng (sán lá gan nhỏ). Đặc biệt, khi ăn các loại ốc nướng, luộc ngoài quán thì nguy cơ sẽ càng tăng lên.

Ốc là thực phẩm được chế biến thành rất nhiều món ăn khác nhau. Nếu như ốc được nấu chín, nhiệt độ cao sẽ khiến cho ký sinh trùng chết, ăn ốc sẽ an toàn. Nhưng nếu ốc nướng, luộc chỉ được nấu tái, chưa chín kỹ thì ký sinh trùng vẫn có thể sống ở phía trong, nếu ăn phải nguy cơ mắc giun sán rất cao. 

Bác sĩ Thọ khuyến cáo, ốc luộc bán tại các hàng quán thường chỉ được nấu ở mức vừa chín tới vì khi ốc nấu chín kỹ sẽ dai, mất độ giòn. Với ốc nướng, nhiệt độ phải qua lớp vỏ, có khi vỏ ốc cháy nhưng bên trong chưa chín. Chính cách chế biến này khiến nguồn lây bệnh ký sinh trùng từ ốc xâm nhâp vào cơ thể nhanh chóng. Trong đó, nguy cơ nhiễm sán lá gan nhỏ thường rất cao.

 Thói quen ăn ốc nhiều người thích ngon giòn lại dễ nhiễm sán đục phá lá gan - Ảnh 1.

Ốc luộc

Bệnh sán lá gan nhỏ đã được xác định phân bố ít nhất ở 18 tỉnh, thành phố, bao gồm: Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Tây, Hoà Bình, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk, Gia Lai, có nơi tỷ lệ nhiễm lên tới 37% như ở Nam Định, Phú Yên.

Sán trưởng thành ký sinh ở đường mật đẻ trứng, trứng theo mật xuống ruột rồi theo phân ra ngoài. Trứng được rơi vào môi trường nước. Trứng bị ốc nuốt nở ra ấu trùng lông để phát triển thành ấu trùng đuôi. Ấu trùng đuôi rời ốc bơi tự do trong nước. Ấu trùng đuôi xâm nhập vào cá nước ngọt, rụng đuôi phát triển thành ấu trùng nang ký sinh ở trong thịt của cá.

Người (hoặc động vật) ăn phải cá có ấu trùng nang chưa được nấu chín thì sau khi ăn, ấu trùng có thể xâm nhập vào dạ dày, xuống tá tràng rồi ngược theo đường mật lên gan, phát triển thành sán lá gan trưởng thành ký sinh và gây bệnh ở đường mật. Thời gian từ khi ăn phải ấu trùng nang trong cá đến khi ấu trùng phát triển thành sán trưởng thành mất khoảng 26 ngày.

Ấu trùng sán lá gan nhỏ khi vào cơ thể người sẽ vào dạ dày, rồi xuống tá tràng sau đó ngược theo đường mật lên gan. Khi xâm nhập vào mô gan, sán non phát triển thành sán trưởng thành, đẻ trứng trong ống dẫn mật. Sau một tháng xâm nhập, sán trưởng thành và đẻ trứng.

Bác sĩ Thọ lưu ý: "Sán lá gan nhỏ tuy không gây bệnh cấp tính, không nguy hiểm đến tính mạng trực tiếp nhưng sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, nếu không được chẩn đoán chính xác, nguy cơ bị cắt bỏ gan hay chẩn đoán nhầm bệnh khác rất dễ xảy ra".

Để phòng ngừa sán lá gan nhỏ, bác sĩ Thọ khuyến cáo người dân cần ăn chín uống sôi, đặc biệt không ăn các loại ốc sống, chưa được nấu chín kỹ, không ăn gỏi cá và các loại rau sống thủy sinh. Bở ấu trùng giun sán ký sinh trong ốc có thể bị tiêu diệt và không còn khả năng gây bệnh khi thức ăn đã được nấu chín hoàn toàn.

Ngoài ra, ốc khi mua hoặc bắt về, người dân cần phải ngâm ốc trong nước để ốc nhả các tạp chất khu trú trong vỏ ra ngoài. Ốc ngâm nước sau đó cần được rửa sạch và nấu chín kỹ trước khi ăn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn