Thời gian gần đây, khoa Phẫu thuật tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai, tiếp nhận số lượng bệnh nhân sỏi túi mật tới điều trị gia tăng.
Trong đó có 1 bệnh nhân nữ 73 tuổi, phát hiện sỏi túi mật cách đây 3 năm. Bệnh nhân vào viện do đau bụng vùng hạ sườn phải, đau thắt lưng phải 10 ngày, kèm sốt 38,5 độ C. Bệnh nhân được chẩn đoán viêm túi mật cấp do sỏi, ứ mủ thận phải do sỏi niệu quản phải/viêm phổi và nhiều bệnh nền.
Do người bệnh có nhiều nguồn nhiễm khuẩn (đường mật, đường tiết niệu) trên nền nhiều bệnh lý phối hợp phức tạp nên các bác sĩ quyết định giải quyết tạm thời tình trạng nhiễm trùng đường mật, phẫu thuật nội soi lấy sỏi niệu quản. Sau 1 tháng điều trị viêm phổi, bệnh nhân ổn định hơn, được chuyển khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy để phẫu thuật cắt túi mật.
TS.BS. Nguyễn Ngọc Hùng, Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, khi mổ, việc phẫu tích gặp rất nhiều khó khăn do túi mật viêm lâu ngày. Tuy nhiên, may mắn là các bác sĩ vẫn thực hiện được qua nội soi. Sau mổ, bệnh nhân ổn định và ra viện sau mổ 5 ngày, tuy nhiên tổng thời gian nằm viện lên đến gần 2 tháng.
Trường hợp bệnh nhân thứ 2 là nam, 73 tuổi đã phát hiện sỏi túi mật 2 năm không điều trị. Khi bệnh nhân có đau bụng hạ sườn phải 1 tuần kèm theo sốt 38,5 độ thì mới tới bệnh viện khám. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phúc mạc mật do viêm túi mật hoại tử, sỏi kẹt cổ túi mật. Bệnh nhân được chỉ định mổ mở cấp cứu: cắt túi mật, mở ống mật chủ lấy sỏi, dẫn lưu đường mật. Sau mổ, do tình trạng nhiễm trùng nặng nên thời gian nằm viện kéo dài 2 tuần.
Theo BS. Nguyễn Huy Du, Khoa Phẫu thuật tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai, sỏi túi mật là bệnh lý thường gặp, ở Việt Nam gặp ở khoảng 8-10% dân số. Nhiều bệnh nhân khi phát hiện mắc sỏi túi mật chưa có triệu chứng, chiếm từ 22,6 - 80%.
Sỏi mật sẽ không hòa tan hoặc biến mất theo thời gian, khi đã hình thành sẽ tồn tại, tiến triển tăng, sau 9 - 20 năm sẽ xuất hiện triệu chứng, nguy cơ bị biến chứng lên tới 30,3%.
Triệu chứng phổ biến nhất là đau dưới sườn phải. Nếu không phát hiện, điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm túi mật cấp hoại tử, tắc mật, viêm tụy cấp, thấm mật phúc mạc, viêm phúc mạc mật...
TS.BS. Nguyễn Ngọc Hùng cho hay hiện nay, việc cắt bỏ túi mật ở những bệnh nhân sỏi không có triệu chứng gần như chắc chắn có thể thực hiện qua mổ nội soi. Những trường hợp được khuyến cáo cắt túi mật như:
- Sỏi nhiều sỏi nhỏ (< 3 mm) dễ kẹt hoặc đi qua cổ túi mật;
- Sỏi mật lớn đơn độc (> 2 cm);
- Sỏi di chuyển tự do;
- Bùn túi mật chiếm > 50% thể tích túi mật;
- Bệnh nhân < 55 tuổi, hút thuốc, thừa cân;
- Sỏi kèm polyp túi mật
- Sỏi trên bệnh tiểu đường, bất thường hồng cầu (hình liềm, hình tròn).
Thói quen tăng nguy cơ sỏi mật
Các bác sĩ khuyến cáo để phòng bệnh sỏi mật, người dân nên ăn chín, uống sôi, tẩy giun định kỳ 6 tháng - 1 năm. Bởi sỏi mật là căn bệnh mắc do thói quen ăn kém vệ sinh, ăn thức ăn sống có nhiễm trùng.
Hiện nay, cuộc sống hiện đại mọi người thường ăn thức ăn đường phố, đồ ăn nhanh không đảm bảo vệ sinh, điều này khiến gia tăng các ca bệnh mắc sỏi mật.
Ngoai ra, việc mắc bệnh về chuyển hóa cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Khi có nghi ngờ sỏi mật, polyp túi mật và bất thường, người dân cần khám bệnh viện chuyên khoa sớm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn