Inamori Kazuo - ‘ông hoàng kinh doanh’ Nhật Bản từng nói: “Hành vi ngốc nghếch nhất trên đời này chính là vội vàng đòi hỏi kết quả, khi không có được thứ mình muốn lại hoảng loạn, bực dọc. Nhưng lắm lúc, điều ông trời an bài còn tốt đẹp, chu đáo hơn cả sự lựa chọn của bạn”.
Nếu chỉ tập trung vào người khác, bạn sẽ đánh mất cuộc đời của mình. Thật sự đáng cười mà cũng đáng thương!
Thật ra, cuộc sống từ đầu đến cuối, điều quan trọng nhất chưa bao giờ là thay đổi một người, mà là luôn nhìn nhận lại bản thân qua mọi trải nghiệm, từ đó hoàn thiện chính mình.
Dồn tâm huyết và công sức vào một chuyện, bất kể kết quả ra sao, đều phải hỏi bản thân một câu: “Chúng ta học được điều gì từ trải nghiệm này?”.
Người thông minh đều thấm nhuần một chân lý trong quá trình trưởng thành: Ngừng thể hiện bản thân, học cách ẩn mình.
Khi xưa, cao thủ thâm tàng bất lộ. Ngày nay, người tài giấu mình trong đám đông, chỉ xuất hiện trong thời khắc quan trọng, năng lực đủ đầy có thể giải quyết ổn thỏa vấn đề. Nếu không thể làm nên điều kinh thiên động địa, vậy thì chỉ làm những chuyện thiết thực, sống trọn với hiện tại.
Chỉ khi nỗ lực và liều mình vì ước mơ, chúng ta mới bớt đi cảm giác tiếc nuối, kết quả không giống với những gì mình muốn, nhưng ít nhất cũng có thể tích lũy kinh nghiệm, nâng tầm vốn sống.
Thời trẻ, cho rằng thứ gì cũng có đáp án. Nhưng đến khi có tuổi hơn, cảm thấy thật ra đời người không cần có quá nhiều đáp án đến vậy. Chỉ khi trải qua đủ nhiều mới hiểu, kết cục tốt nhất của những mối quan hệ có lẽ là “bặt vô âm tín”, “ban đầu rực rỡ, cuối cùng tan thành mây khói trong lặng im”. Đó là lý do người ta thường nói rằng lời tạm biệt của người lớn khôn là sự im lặng, âm thầm rời xa.
Thì ra, yêu đến cùng cực là không níu kéo; nhớ nhung đến đau đớn chính là không bao giờ trùng phùng.
Có một loại rung động, bắt đầu là trái tim, cuối cùng là đau đớn. Có một loại ngại ngùng, bắt đầu là đỏ mặt, sau cùng là đỏ mắt. Con người móc nối với nhau bằng quá trình trao đổi giá trị. Ta xây cầu cho người, người lát đường cho ta. Người càng có trí tuệ càng hiểu “có qua có lại thì đôi bên mới bền”.
Cây kim nhỏ bé nhưng lực sát thương cực lớn. Lưỡi không xương, nhiều đường lắt léo, gây ra tổn thương gấp trăm nghìn lần. Có thể thay đổi được thì cứ thay đổi, không thay đổi được thì học cách thích ứng và sống chung. Không thể thích ứng thì khoan dung, không thể khoan dung thì buông bỏ.
Đến một độ tuổi nhất định, cần phải biết kiểm soát tham vọng của bản thân. Khi bạn đã sở hữu sự ổn định trong tâm hồn, quen với sự cô độc, bạn sẽ không còn ôm kỳ vọng với bất cứ ai hay điều gì, cuộc sống về sau bớt đi vài nỗi đau buồn và thất vọng.
Đời người, không cần nhìn thấu, chỉ cần tỉnh táo, cùng với sự dũng cảm tiến về phía trước. Mọi chuyện đều cần tận tâm tận lực từ lúc xuất phát, sau đó thuận theo tự nhiên, giao phó cho thời gian.
Đường là do mình chọn, không có thắng thua đúng sai, chỉ có đáng hay không đáng! Điều quan trọng nhất của mỗi trải nghiệm không phải là “sở hữu”, mà là “học được”.
Người xưa thường nói: “Dục tốc bất đạt”. Ý chỉ khi chúng ta vội vàng hấp tấp thì kết quả sẽ không được như ý muốn.
Thật vậy! Mọi nỗi thất vọng và đau buồn trên thế giới này hầu như được hình thành nên tâm lý cưỡng cầu trong mọi việc của con người. Muốn thứ này thì phải có cho bằng được, không có thì buồn tủi, tức giận. Khi chúng ta biết buông bỏ kỳ vọng, quản lý cảm xúc, không còn cưỡng cầu, thì mất mát hay tan vỡ đều không còn nặng nề như trước.
Không còn cưỡng cầu và kỳ vọng không phải là biểu hiện của người vô cảm, mất hết nhiệt huyết, mà là người sống thông minh, là cách để chúng ta chống chọi với mọi thứ diễn ra trên đời này.
Biết ước mơ, biết khát khao, nhưng không yêu cầu cực đoan. Như thế, có được thì vui, nhưng không thể sở hữu vẫn có thể dung dị sống tiếp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn