Không nộp tiền bị cắt điện
Trong cái nắng gió Lào với nhiệt độ xấp xỉ 40 độ mà không có điện thì ở trong nhà khác gì bị luộc. Nắm được điểm yếu đó nên chính quyền xã Hải Thanh coi đây là biện pháp hiệu quả để buộc người dân phải đóng các khoản quĩ, phí. Theo người dân nơi đây, "chiêu" cắt điện là đòn rất hiểm mà chính quyền áp dụng nhiều năm qua.
Mỗi hộ gia đình ở thôn Quang Minh xã Hải Thanh đều có một quyển sổ trong đó ghi lại các khoản đóng góp. Ngoài tiền điện, hàng tháng người dân còn phải đóng thêm nhiều khoản quỹ, phí như: tiền đường, vệ sinh môi trường, điện đường, đền ơn đáp nghĩa, trại hè, khuyến học...
Quan sát một số cuốn sổ đóng góp của một số hộ gia đình, ngoài những khoản như tiền điện, Quỹ ANQP, nhiều loại quỹ khác được ghi chung “Các loại quỹ”. Điều ngạc nhiên là chủ của những cuốn sổ kia cũng không ai biết chính xác “các loại quỹ” là những loại nào. Một người dân trong thôn cho biết: “Cán bộ thôn bảo bao nhiêu thì đóng bấy nhiêu, chúng tôi cũng chẳng biết số tiền đó gồm bao nhiêu khoản. Nếu không đóng, chúng tôi sẽ bị cắt điện”.
Mặc dù mỗi tháng trung bình một hộ dân ở thôn Quang Minh phải đóng từ 200 – 500 nghìn, gồm tiền điện (thu theo chỉ số tiêu thụ) và các khoản. Rất nhiều hộ không lo đủ số tiền đó để đóng, tháng nào cũng phải nợ lại mấy chục nghìn. Có hộ thiếu nợ triền miên, tháng này gối tháng khác.
Hàng tháng người dân phải đóng rất nhiều khoản |
Rất nhiều hộ đã không có đủ số tiền để đóng nên phải chịu nợ |
Theo người dân trong thôn Quang Minh, suốt nhiều năm qua, chính quyền ở đây luôn áp dụng “đòn hiểm” là cắt điện. Với cách này, dù nghèo, dù thiếu nhưng người dân vẫn phải è lưng đóng đủ các khoản.
Việc ghi tiền điện hàng tháng chung với các khoản đóng góp được xem là việc làm khôn ngoan của chính quyền thôn Quang Minh. Khi thu tiền, cán bộ cộng tất cả các khoản lại làm một. Ai không nộp sau 3-5 ngày sẽ liên tục bị nêu tên “ông ổng” trên hệ thống loa phát thanh. Sau đó, nếu vẫn tiếp tục không nộp tiền lập tức gia đình đó sẽ bị cắt điện.
“Nếu không đóng tiền điện, bị cắt điện là đúng nhưng không đóng các khoán đóng góp khác cũng bị cắt điện. Ai cũng sợ bị cắt điện nên bây giờ người dân phải răm rắp đóng tiền. Không có cũng phải vay mà đóng, chẳng ai dám có ý kiến”, anh Lê Đình Q. – người dân thôn Quang Minh nói.
“Đây là hình thức “lập lờ đánh lận con đen” của chính quyền. Việc họ cắt điện được xem như là lý do chính đáng khi người dân không đóng tiền điện. Thế nhưng, thật ra ngoài khoản tiền điện, hàng tháng người dân còn phải đóng nhiều loại quỹ khác. Với người dân nghèo làng biển chúng tôi, mỗi tháng đóng góp đến mấy trăm nghìn thật sự là một gánh nặng”, anh Thanh nói.
Gia đình bà Nguyễn Thị Tiến (hộ cận nghèo) từng bị cắt điện vì nợ tiền |
Mấy năm trước, đã có rất nhiều hộ gia đình ở thôn Quang Minh bị “trừng phạt” theo hình thức cắt điện vì nợ tiền. Bị cắt điện đương nhiên là khổ, mọi sinh hoạt đều đảo lộn tùng phèo nên người dân rất sợ “đòn độc” này của chính quyền thôn. Trước đây, việc cắt điện cũng tự tay cán bộ thôn làm. Tuy nhiên, hiện thôn đã phối hợp với công an xã Hải Thanh để làm việc đó. Lý do thôn không trực tiếp cắt điện nữa vì tránh cho cán bộ thôn “mang tiếng” với hàng xóm, láng giềng.
"Bán suất phơi" trên đê
Tuyến đê biển là chỗ phơi tôm cá của ngư dân đã bị chính quyền chiếm mất rồi bán lại suất phơi. |
Thôn Quang Minh, xã Hải Thanh (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) có 560 hộ, trong đó có 61 hộ nghèo, 74 hộ cận nghèo. Cuộc sống của người dân nơi đây gắn liền với biển. Ngoài những người trực tiếp đi biển, những người ở nhà làm nghề chế biến hải sản và hậu cần nghề cá.
Người dân thôn Quang Minh cho biết, cách đây mấy năm, con đê chắn sóng chạy qua địa phận xã Hải Thanh được xây dựng rất hiện đại. Có đê mới, người dân yên tâm khi không còn lo những cơn sóng giữ mỗi khi mùa bão về. Ngoài ra con đê cũng giúp người dân có chỗ phơi hong thuận tiện sau khi đánh bắt hải sản. Cả một triền đê dài phía ngoài biển được kiên cố bằng xi măng, thoai thoải chạy ra biển đã trở thành sân phơi lý tưởng cho hàng trăm hộ dân.
Từ ngày có đê, người dân chia nhau mỗi hộ một khoảnh, cùng nhau trưng dụng đê biển làm sân phơi. Thế nhưng, hơn một năm trở lại đây, hàng trăm hộ dân thôn Quang Minh chưng hửng khi cán bộ thôn bỗng dưng thôn tính mất đê. Theo đó, hộ nào muốn phơi tôm cá, phải đóng tiền cho thôn. Chính quyền thôn dùng sơn, kẻ vạch và “chứng nhận” cho hộ mua được quyền sử dụng. Một hình thức “bảo kê” biển của lãnh đạo thôn Quang Minh.
Người dân thôn Quang Minh, xã Hải Thanh hầu hết gắn với nghề đi biển nên chỗ phơi hải sản rất quan trọng. |
Chỉ có khoảng 40 hộ dành được quyền “mua suất phơi”, hàng trăm hộ khác đành ở ngoài cuộc và hành trình đi tìm chỗ phơi tôm cá trở nên gian nan. Anh Nguyễn Văn Thành, thôn Quang Minh, cho biết: “Từ ngày đê biển bị chính quyền lấy mất, chúng tôi không biết phơi tôm cá ở đâu. Sau khi đi biển về, rất vất vả chúng tôi mới tìm được chỗ phơi phóng. Đây là việc làm hết sức vô lý. Đê biển là của Nhà nước, của Quốc gia, chẳng ai được quyền chiếm dụng. Chiếm đê biến, bán lại suất phơi cho người dân, số tiền đó rơi vào túi cán bộ. Một điều quá phi lý”.
(Còn nữa)