Lễ tiễn Táo Quân về trời là truyền thống của người Việt vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Trong đó, nghi lễ thả cá chép, dọn dẹp nhà cửa là một trong những việc quan trọng. Tuy nhiên, ngoài thả cá, nhiều người còn thả cả những chiếc túi nylon đựng cá, đồ thờ cúng cũ bày biện trên ban thờ như bát hương, bình hoa, chân hương… xuống sông hồ. Những vật dụng này cũng là nguyên nhân gây nên ô nhiễm môi trường
Chính vì vậy, để hạn chế rác thải xuống các sông hồ, thông điệp thả cá, không thả túi nylon lan tỏa mạnh mẽ trong ngày ông Công ông Táo.
Trong dịp cuối năm, đặc biệt trước và trong ngày 23 tháng Chạp âm lịch, nhiều tổ chức bảo vệ môi trường, các bạn trẻ tình nguyện đã làm các chiến dịch hạn chế rác thải, túi nylon, chung tay bảo vệ môi trường. Tại các khu vực người dân hay thả cá ở Hà Nội như Hồ Tây, cầu Long Biên, cầu Chương Dương… đã có rất nhiều tình nguyện viên kêu gọi không thả túi nylon và chia sẻ các thông điệp ý nghĩa đến cộng đồng. Tiêu biểu như: Thông điệp thả cá, không thả túi nylon lan tỏa mạnh mẽ trong ngày ông Công ông Táo.
Không chỉ kêu gọi, một số nhóm như Keep Hanoi Clean còn phát động sự kiện Làm sạch sông Hồng diễn ra trong các ngày 16, 17, 18/1 góp phần giảm thiểu đến mức tối đa lượng túi ni lông bị xả xuống sông, ao, hồ tại Hà Nội trong ngày 23 tháng Chạp. Theo chia sẻ từ tổ chức này, vào dịp ông Công ông Táo năm ngoái, các tình nguyện viên đã thu gom được khoảng 13.500 túi nylon từ những người dân thả cá xuống sông Hồng.
Trên mạng xã hội, trên các diễn đàn, những lời kêu gọi, hình ảnh truyền thông điệp bảo vệ môi trường cũng được nhiều người chia sẻ, để góp phần lan tỏa lối sống xanh, bảo vệ môi trường.
Cô Hồng Anh (Hội LHPN Q.Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: Chỉ cần mỗi người có ý thức trong từng hành động nhỏ, hạn chế sử dụng một chiếc túi nylon thôi cũng sẽ góp phần bảo vệ môi trường sống tại thủ đô xanh, sạch và trong lành hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn