Theo bà Nhung, nhiều người thấy thực tế trên cho là bình thường nhưng nó lại phản ánh một phần bức tranh về nữ hóa dân số người cao tuổi ở Việt Nam. Hiện Việt Nam có trên 11 triệu người cao tuổi (từ 60 tuổi) trở lên, trong đó phụ nữ chiếm gần 60%.
Bà Nhung chia sẻ thông tin trên tại Hội thảo Chăm sóc và phát huy vài trò của phụ nữ cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số, do Hội LHPN Việt Nam tổ chức chiều 28/11 tại Hà Nội.
Tại Việt Nam, cơ cấu dân số ở nhóm tuổi ngoài 60 thì cứ 1 cụ ông sẽ có tỷ lệ là 1,5 cụ bà; nhóm tuổi ngoài 80 cứ 1 cụ ông sẽ có tỷ lệ 2 cụ bà; nhóm tuổi ngoài 85 thì 1 cụ ông sẽ tương ứng với tỷ lệ 2,5 cụ bà. Khoảng 40% phụ nữ cao tuổi góa bụa. Việt Nam hiện có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, vì thế số người cao tuổi (NCT) sẽ còn tăng cao.
Vì nhiều lí do, nam giới cao tuổi thường tử vong sớm hơn. Còn phụ nữ cao tuổi thì thường sống lâu hơn. Tuy nhiên, theo bà Nhung, hầu hết phụ nữ cao tuổi chưa chuẩn bị tích lũy cả về vật chất, sức khỏe cho mình khi bước vào giai đoạn cao tuổi. Hơn nữa, có trên 65% NCT sống ở nông thôn, đa phần không có lương hưu, trợ cấp. Trong khi đó, phụ nữ cao tuổi dễ mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp, tiểu đường hơn…
Đồng quan điểm này, bà Trần Bích Thủy, Giám đốc quốc gia Tổ chức Hỗ trợ NCT Quốc tế, cho biết, hầu hết NCT, đặc biệt là phụ nữ chưa lập kế hoạch cho tuổi già từ khi còn trẻ. Thực tế, nhiều phụ nữ cao tuổi hiện nay không có lương hưu hoặc có thì thấp hơn chồng; không ít người làm việc không có thu nhập như chăm sóc gia đình, làm việc nhà.
Trước đó, do quan niệm của xã hội nên phụ nữ thường hi sinh công việc vì chồng con, vì thế vị thế xã hội không cao, ít có tích lũy. Khi chồng mất thì đa phần phải dựa vào con nên cuộc sống khá khó khăn. Bà Thủy cho rằng, phụ nữ cần lập kế hoạch cho tuổi già để có tích lũy cả về vật chất, sức khỏe sớm. Phụ nữ phải để dành một phần của cải cho mình, nghĩ đến mình trước.
“Phụ nữ không nên quan niệm 60 tuổi là già. Người Nhật quan niệm 60 tuổi là bước sang cuộc sống mới, sống cho bản thân mình. Vì trẻ phải lao động, lo cho con cháu thì đến tuổi này, con cái đã trưởng thành, người trong cuộc cần có suy nghĩ khác để chăm lo cho mình hơn. Tại Nhật Bản, rất nhiều NCT học tiếng Anh, để làm hướng dẫn viên du lịch”, bà Thủy cho biết.
Thực tế, không ít phụ nữ cao tuổi gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, gánh nặng gia đình, sức khỏe kém, mất quyền quyết định và bất bình đẳng giới. Một trong nhiều nguyên nhân là hiện vẫn còn nhiều người có quan niệm chưa đúng về vai trò của phụ nữ cao tuổi, các chính sách, chương trình của nhà nước còn bỏ qua sự tham gia của phụ nữ cao tuổi. Tình trạng bất bình đẳng giới, lạm dụng đối với phụ nữ cao tuổi vẫn còn tồn tại trong xã hội, trong nhiều gia đình và ngay cả trong phụ nữ cao tuổi.
Cũng theo bà Thủy, bên cạnh sự chủ động của NCT, cơ quan chức năng cần định hướng lại nghề nghiệp cho NCT, thậm chí dạy nghề cho NCT cần được xem xét và triển khai. Bởi NCT có thể đóng góp rất nhiều cho gia đình và xã hội. Ngoài ra, cần điều chỉnh sớm chính sách, pháp luật về NCT, đặc biệt là việc chăm sóc, trợ giúp, để bảo đảm cho NCT sống vui, sống khỏe, phát huy tốt nhất vai trò của mình đối với sự phát triển chung của cộng đồng, xã hội, đất nước.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Gia đình và Xã hội (TƯ Hội LHPN Việt Nam), cho biết, thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Công tác dân số trong tình hình mới và Chương trình Hành động của Hội LHPN Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 21, thời gian qua, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, các cấp Hội trong cả nước tổ chức nhiều hoạt động về phụ nữ, trong đó có phụ nữ cao tuổi; xây dựng mô hình liên thế hệ; mô hình câu lạc bộ ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền… nhằm góp phần chăm lo cho NCT, trong đó có phụ nữ.
Bà Mai cho rằng, cùng sự vào cuộc của cơ quan chức năng, bản thân mỗi phụ nữ cũng cần có kế hoạch cụ thể để lo cho tương lai của mình cả về kinh tế lẫn sức khỏe.
Theo nhận định của Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tính đến cuối tháng 8/2018, theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, cả nước có hơn 11,31 triệu người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), chiếm khoảng 11,95% dân số. Trong đó, khoảng 65% người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn, 23% người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo. Dự báo đến năm 2030, tỷ lệ dân số trên 65 tuổi của Việt Nam sẽ vào khoảng 12,9% và đến năm 2050 là 23%. Từ năm 2030, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ “dân số vàng”; sau năm 2040, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm và sẽ gây những tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế - xã hội. |