Tại Hội nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa về tình hình hoạt động của doanh nghiệp và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khối này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ và diễn biến kinh tế, tiền tệ, tích cực triển khai các giải pháp từ phía ngành ngân hàng cũng như phối hợp các bộ, ban ngành để tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng.
Kịp thời gỡ khó cho doanh nghiệp
Hiện khối doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam (với 857.600 doanh nghiệp), đây là nhóm khách hàng mà ngành ngân hàng dành ưu tiên trong hoạt động cấp tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ. Tại hội nghị, đại diện hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp cũng đã phản ánh hiện đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất như đầu ra hạn chế, thiếu vốn…
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng những khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, đòi hỏi nhiều giải pháp từ phía nhiều cơ quan, bộ ngành, địa phương và cả bản thân các doanh nghiệp.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này rất quan tâm đối với việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng. Từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, hệ thống ngân hàng dành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Đơn cử chính sách giảm lãi, miễn lãi, giảm phí chia sẻ với doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua tổng cộng 60.000 tỷ đồng.
"Đây là số tiền rất lớn từ nguồn lực của các ngân hàng cho thấy hệ thống ngân hàng đồng hành cùng các doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp về lãi suất, tín dụng, cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ được triển khai", Thống đốc bày tỏ.
Lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp vừa và nhỏ, Thống đốc cho rằng đối với lĩnh vực ngân hàng, các ý kiến xoay quanh hai vấn đề, đó là lãi suất và tiếp cận tín dụng.
Đối với vấn đề lãi suất, Thống đốc cho rằng trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương các nước vẫn duy trì lãi suất cao và tiếp tục tăng lãi suất, trên cơ sở cân nhắc bối cảnh, tình hình, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, đưa lãi suất điều hành về mức trước dịch COVID-19 xảy ra.
Thống đốc cũng nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một trong số rất ít các Ngân hàng Trung ương trên thế giới giảm lãi suất. Các tổ chức tín dụng cũng đang tích cực giảm lãi suất, mặt bằng lãi suất bình quân giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022, do chính sách có độ trễ nên có thể các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Thống đốc cũng cho rằng để hạ lãi suất là một cố gắng lớn, bởi khi hạ lãi suất Ngân hàng Nhà nước phải chèo lái và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách để có thể làm sao ổn định không những thị trường tiền tệ mà còn thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Đối với vấn đề tiếp cận tín dụng, hiện nay Luật tổ chức tín dụng quy định các tổ chức tín dụng yêu cầu khách hàng vay vốn phải cung cấp tài liệu chứng minh phương án dự án khả thi, khả năng tài chính để đảm bảo khả năng trả nợ, mục đích sử dụng vốn đúng mục đích. Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước cũng quy định như vậy. Ngân hàng Nhà nước không quy định khoản vay bắt buộc phải có có tài sản đảm bảo; Ngân hàng Nhà nước cũng không quy định tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản đảm bảo và cũng không quy định tài liệu khách hàng phải cung cấp cho tổ chức tín dụng để chứng minh đủ điều kiện vay vốn.
Những vấn đề này hoàn toàn do tổ chức tín dụng tự quy định trong quy trình nội bộ của chính tổ chức tín dụng. Tài liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn khác nhau tùy theo mục đích vay, chẳng hạn vay để đầu tư kinh doanh bất động sản, vay để thực hiện dự án xuất khẩu, vay để sản xuất nông nghiệp… tài liệu chứng minh sẽ khác. Ngân hàng Nhà nước thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn phải đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Tăng tương tác giữa ngân hàng và doanh nghiệp
Việc tương tác giữa ngân hàng và doanh nghiệp là rất cần thiết để hiểu, chia sẻ, nhận diện những khó khăn, vướng mắc để cùng nhau tháo gỡ trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật.
Có ý kiến cho rằng các ngân hàng thương mại cổ phần huy động lãi suất cao nên cho vay lãi suất cao hơn, có ngân hàng huy động ở tỉnh này lại cho vay ở tỉnh khác, doanh nghiệp không vay được của ngân hàng thương mại cổ phần. Với ý kiến này, Thống đốc giải thích việc quyết định lãi suất huy động và cho vay là do các tổ chức tín dụng tự quyết định, trường hợp doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn nếu không vay được của ngân hàng thương mại cổ phần thì vẫn có lựa chọn vay của các ngân hàng thương mại Nhà nước.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng hiện nay nước ta có riêng Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và 5 Nghị định hướng dẫn Luật. Nhưng vấn đề thực thi các chính sách này mới là điều quan trọng. Về phía ngành ngân hàng, để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng Nhà nước đã có giải pháp quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực ưu tiên trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư hướng dẫn cho vay theo chuỗi giá trị, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Song, những khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải được nhận diện, đánh giá đầy đủ, từ đó mới có giải pháp trúng và đúng.
“Chính phủ cần tổ chức hội nghị đánh giá tổng thể việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa để có hướng giải quyết hiệu quả các vấn đề. Theo đó, mỗi bộ ngành, địa phương đều có các giải pháp, chính sách cùng tham gia tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, không thể riêng ngành nào hoặc chính sách nào giải quyết được hết tất cả các vấn đề”, Thống đốc kiến nghị.
Trong số các giải pháp hỗ trợ, Thống đốc cho rằng việc tăng cường hiệu quả hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng dụng địa phương là rất quan trọng bởi địa phương nắm rõ nhất về hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn. Nếu dành nguồn lực cho bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn, tin rằng tín dụng tăng trưởng sẽ cao hơn và doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ nhiều hơn.
Để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, Thống đốc cho rằng bản thân doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần khắc phục những hạn chế của mình bởi đó chính là những vấn đề đang gây cản trở trong việc ngân hàng đưa ra quyết định cho vay. Bởi vậy, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp, tình hình tài chính, minh bạch hóa thông tin.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn