Thông động mạch cứu người đột quỵ

14:49 | 14/03/2016;
BV TƯ Quân đội 108 đã triển khai thành công kỹ thuật tái thông động mạch để điều trị cho bệnh nhân đột quỵ. Nếu người bệnh đến viện sớm và được điều trị bằng kỹ thuật này, có thể phục hồi sau 6 giờ.

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Quân đội 108 (Hà Nội) đã cứu sống một bệnh nhân 65 tuổi bị đột quỵ bằng kỹ thuật mới: Thông động mạch.

Khi phát hiện người thân méo miệng, liệt nửa người và mất ý thức (hôn mê), gia đình bệnh nhân H. lập tức gọi điện tới BV 108 thông báo tình hình và nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cấp cứu. Bệnh nhân được chẩn đoán là bị đột quỵ nhồi máu não cấp giai đoạn sớm do tắc mạch nên được can thiệp nội mạch kịp thời. 45 phút sau, cục máu đông trong lòng động mạch não được hút ra, các dấu hiệu liệt và tê bì nửa người trái của bệnh nhân biến mất. Người bệnh vận động và cảm giác phục hồi hoàn toàn sau 6 giờ.

TS Lê Văn Trường, Chủ nhiệm khoa Can thiệp tim mạch của BV cho biết, cùng bệnh nhân H., 2 tháng đầu năm nay, các bác sĩ của BV đã tiếp nhận và điều trị cho 20 bệnh nhân từ Hà Nội và các tỉnh lân cận bị đột quỵ bằng phương pháp trên. Với bệnh nhân đột quỵ, thời gian điều trị có hiệu quả đối là trong 6 giờ đầu tiên sau khi xảy ra tai biến. Tuy nhiên, kết quả sẽ giảm dần từ giờ thứ 1 đến giờ thứ 6. Trong 1-3 giờ đầu, bệnh nhân phục hồi trở về với cuộc sống bình thường đạt tỷ lệ cao. Từ 4 đến 6 giờ, bệnh nhân nếu được cứu sống dễ để lại di chứng nặng: Liệt, khó nói, khó nuốt, đau đớn, không tự vận động được…. Còn từ nếu xử lý chậm sau 6 giờ, tỷ lệ sống sót rất thấp.

IMG_6443.JPG
Các bác sĩ BV TƯ Quân đội 108 thực hiện biện pháp tái thông động mạch điều trị cho bệnh nhân đột quỵ

Theo TS. Lê Văn Trường, trong điều trị đột quỵ nhồi máu não có 2 phương pháp tái thông mạch não là dùng thuốc tiêu sợi huyết và dùng dụng cụ để thông lấy huyết khối ra khỏi lòng mạch. Dùng thuốc tiêu sợi huyết tiêm đường tĩnh mạch, có chỉ định hẹp, chỉ trong vòng 4 giờ sau khi xảy ra đột quỵ. Thực tế, chỉ khoảng 10% bệnh nhân hưởng lợi từ phương pháp này. Còn 90% bệnh nhân phải sử dụng đến phương pháp can thiệp mạch máu não bằng ống thông.

Kỹ thuật lấy huyết khối là dùng ống thông đi qua động mạch đùi, lên động mạch não đến vị trí cục máu đông đã được xác định qua hình ảnh chụp mạch. Trong ống thông có sợi dây gắn bóng nhỏ hình thoi để phá huyết khối. Ống thông có khả năng hút các cục máu đông ra khỏi lòng mạch trong vòng 20-30 phút. Sau khi hút xong sẽ tái thông lòng mạch máu não hoàn toàn, các mô não được tưới máu nuôi trở lại bình thường.  

Cấp cứu đột quỵ 24/7

Trong cấp cứu điều trị đột quỵ nhồi máu não thường có câu “thời gian là não”, có nghĩa mất thời gian là mất não. Vì vậy, BV 108 đã thành lập  nhóm làm việc cấp cứu đột quỵ não gồm 4 chuyên khoa quan trọng, hoạt động 24/7, để nhanh chóng cứu sống bệnh nhân. Sau khi tiếp nhận người bệnh, trong vòng 1-1,5 giờ, bệnh nhân không chỉ được cấp cứu, xét nghiệm, chẩn đoán, mà còn được can thiệp xử lý xong đoạn mạch bị tắc để tái lưu thông máu não. Đây cũng là khoảng thời gian mà chỉ ở các nước tiên tiến trên thế giới mới thực hiện được.

Đặc biệt, để có thể khai thông mạch bị tắc sớm phút nào hay phút đó, khi cấp cứu bệnh nhân đột quỵ, nhóm cấp cứu quán triệt không lệ thuộc hai yếu tố “tiền” và “bảo hiểm y tế”. “Tất cả các thủ tục sẽ được hoàn thiện sau”, TS. Trường cho biết. Vì bệnh nhân được đưa đến BV muộn thì cơ hội cứu sống sẽ thấp, nếu phát hiện người thân bị đột quỵ, gia đình cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đi cấp cứu.

Đột quỵ thường xảy ra đột ngột với các triệu chứng: Tê bì hoặc yếu nửa người, nửa mặt; lẫn lộn; mất thị lực một bên hoặc cả hai bên mắt; đi lại khó khăn… Biến chứng nặng nhất của bệnh là nhồi máu não, dẫn đến một vùng của não bị tổn thương không hồi phục do không có máu nuôi dưỡng. Bệnh không chỉ gặp ở người già mà đang xuất hiện nhiều ở cả người trẻ dưới 30 tuổi.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn