Thống kê giới hướng đến sự bình đẳng giới trong tất cả lĩnh vực

16:30 | 20/05/2021;
Tháng 5/2021, ngành Thống kê Việt Nam kỷ niệm 75 năm thành lập (1946 - 2021) và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất. Trong suốt chặng đường lịch sử, những số liệu điều tra, thống kê của ngành đã phản ánh khách quan tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, từ đó giúp cơ quan quản lý ban hành các quyết sách quan trọng.

Nhân dịp này, Báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, về hành trình 75 năm của ngành.

- Bà có thể khái quát một vài mốc thay đổi quan trọng về cơ cấu tổ chức của ngành Thống kê Việt Nam trong 75 năm qua?

Nguyễn Thị Hương: Có 06 mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của ngành Thống kê. Cụ thể như sau:

- Những ngày đầu mới thành lập năm 1946, cơ cấu tổ chức còn đơn giản, số lượng cán bộ ít, trình độ nghiệp vụ chuyên môn còn hạn chế nhưng Nha Thống kê Việt Nam đã vượt qua khó khăn, vừa tự đào tạo, vừa triển khai các hoạt động thu thập, tổng hợp thông tin phục vụ Đảng, Chính phủ và các Liên khu chỉ đạo công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kiến quốc của dân tộc.

- Năm 1956, Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ số 695/TTg về tổ chức Cục Thống kê Trung ương (thuộc Ủy ban Kế hoạch Nhà nước), các cơ quan Thống kê địa phương và các tổ chức thống kê ở các Bộ. Cuối năm 1957, hầu hết các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương của miền Bắc đã có cơ quan thống kê địa phương.

- Năm 1961, Chính phủ ban hành Nghị định số 131/CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và bộ máy Tổng cục Thống kê. Theo đó, Tổng cục Thống kê là cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ.

- Năm 1974, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 72/CP, quy định Tổng cục Thống kê là cơ quan thuộc Chính phủ, có các vụ trực thuộc, các Chi cục thống kê cấp tỉnh, phòng thống kê cấp huyện. Giai đoạn này đánh dấu ngành Thống kê được tổ chức theo hệ thống "ngành dọc" thống nhất từ Trung ương đến cấp huyện.

- Năm 1988, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 81/HĐBT quy định lại chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của ngành Thống kê các cấp. Bộ máy thống kê địa phương được chuyển giao từ Tổng cục Thống kê quản lý sang Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý.

- Năm 1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 23/CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Thống kê thay thế Quyết định số 81/HĐBT năm 1988. Tổng cục Thống kê trở lại quản lý theo ngành dọc. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển và trưởng thành của ngành Thống kê, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thống kê trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Luật Thống kê năm 2003 và Luật thống kê năm 2015 tiếp tục quy định hệ thống tổ chức thống kê tập trung được tổ chức theo ngành dọc gồm cơ quan thống kê trung ương và cơ quan thống kê địa phương.

Dù ở giai đoạn nào thì nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt của ngành Thống kê vẫn là cung cấp thông tin kinh tế - xã hội, bằng chứng xác thực giúp Đảng, Nhà nước xây dựng, giám sát và thực hiện Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội của đất nước, của các bộ, ngành và địa phương.

Thống kê giới hướng đến sự bình đẳng giới trong tất cả lĩnh vực - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Tích cực tham gia thống kê bạo lực đối với phụ nữ

- Thưa bà, trong những năm qua, các cuộc điều tra thống kê của Tổng cục Thống kê đã thu thập nhiều thông tin liên quan đến vấn đề bình đẳng giới. Vậy tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng của thông tin thống kê về giới và phụ nữ trong các cuộc điều tra đó là gì?

Nguyễn Thị Hương: Thông tin thống kê giới giúp các nhà hoạch định chính sách xem xét sự khác biệt và bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới, các nhu cầu và ưu tiên của họ; qua đó góp phần xây dựng và phản biện các chính sách, chương trình nhằm đảm bảo lợi ích tối đa cho cả phụ nữ và nam giới, đảm bảo bình đẳng giới trong tất cả các lĩnh vực.

Số liệu từ các cuộc điều tra thống kê của Tổng cục Thống kê như: Khảo sát Mức sống dân cư, điều tra đánh giá các mục tiêu về trẻ em và phụ nữ, điều tra thống kê trong lĩnh vực Dân số, Lao động, Tổng điều tra Nông thôn nông nghiệp,... là nguồn thông tin phong phú cho các nhà hoạch định chính sách nắm được các thông tin về lợi ích của nam giới và nữ giới tại Việt Nam, từ đó đưa ra các quyết sách về tiền lương, tuổi hưu, hỗ trợ xã hội với từng giới.

Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia tham gia tích cực vào công tác thống kê bạo lực đối với phụ nữ. Năm 2010, Việt Nam là một trong số các quốc gia đầu tiên thực hiện điều tra thống kê về bạo lực đối với Phụ nữ. Năm 2018, chúng ta thực hiện nội dung điều tra này lần thứ hai.

Kết quả điều tra thống kê bạo lực đối với phụ nữ đã có tác dụng cảnh báo, thay đổi nhận thức của xã hội và đặc biệt là thay đổi suy nghĩ của phụ nữ. Họ đã dần vượt qua mặc cảm, sợ hãi để lên tiếng phản đối bạo lực đối với phụ nữ, với bản thân họ.

Kết quả 2 cuộc điều tra này cũng được sử dụng trong rất nhiều chương trình truyền thông, làm căn cứ để ban hành các chế tài đối với hành vi bạo lực nói chung và bạo lực phụ nữ nói riêng. Nếu 10 năm trước, xã hội ít quan tâm đến hành vi bạo lực phụ nữ và người yếu thế thì nay ngày càng có nhiều tiếng nói quyết liệt phản đối những hành vi này.

Tổng cục Thống kê đã và đang tham gia tích cực nhóm "các đối tác hành động về bình đẳng giới" tại Việt Nam nhằm đảm bảo số liệu thống kê giới được sử dụng đúng, đầy đủ trong các phản biện chính sách tại Việt Nam. Tổng cục Thống kê cũng tham gia tích cực vào nhóm làm việc kỹ thuật về thống kê giới của cơ quan Thống kê Liên hiệp quốc để rà soát các hướng dẫn về thống kê giới với các cơ quan thống kê trên toàn cầu.

Sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về thống kê giới

- Xin bà cho biết nhiệm vụ của ngành Thống kê trong giai đoạn mới là gì? Tổng cục thống kê đang triển khai hoạt động nào liên quan đến thống kê giới?

Nguyễn Thị Hương: Trong thời gian tới, ngành Thống kê sẽ tiếp tục đổi mới sáng tạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ để phát triển nhanh và vững chắc.

Để làm được điều đó, toàn ngành sẽ tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp sau: (1) Hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình, phát triển nhân lực; (2) Xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình, mô hình thống kê mới; (3) Hiện đại hóa việc thu thập, xử lý và quản trị dữ liệu; (4) Đổi mới việc phân tích, dự báo, phổ biến thông tin thống kê; (5) Đẩy nhanh tư liệu hóa, chuyển đổi số; (6) Mở rộng, nâng cao hợp tác quốc tế, thống kê nước ngoài; (7) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; (8) Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành; (9) Tăng cường cơ sở vật chất và huy động nguồn lực tài chính phục vụ công tác thống kê.

Giới là chủ đề bao trùm và liên quan đến mọi mặt của xã hội nên rất nhiều cuộc điều tra thống kê của Tổng cục Thống kê thu thập thông tin liên quan đến chủ đề này. Các chỉ tiêu thống kê giới được quy định tại Thông tư số 10/2019/TT-BKHĐT, ngày 30/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bao gồm 78 chỉ tiêu, trong đó riêng Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp hoặc chủ trì 38 chỉ tiêu. Những chỉ tiêu này được thu thập từ các cuộc điều tra thống kê của các bộ, ngành.

Hàng năm, Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành thu thập và biên soạn cuốn sách thống kê giới. Dự kiến, trong thời gian tới, Tổng cục Thống kê sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về thống kê giới.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn