Cầu Tứ Liên là công trình giao thông quan trọng nằm trong Chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
Nội dung đầu tư công trung hạn của Chương trình 03 đã xác định trong giai đoạn từ năm 2021-2025, cầu Tứ Liên chỉ đặt vấn đề chuẩn bị công tác đầu tư để làm cơ sở tổ chức đấu thầu, chưa có kế hoạch cụ thể xác định thời điểm khởi công trong thời điểm này. Do đó, việc khởi công dự án phụ thuộc vào các thủ tục và tiến trình nghiên cứu phương án đầu tư.
Được biết, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã phối hợp với Tập đoàn Thái Bình Dương nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ liên theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Về kỹ thuật, hiện đã xác định chiều dài toàn tuyến là 11,5km, trong đó cầu chính và đường dẫn 2 đầu cầu dài khoảng 5,5km với đường nối đến cầu trên địa bàn huyện Đông Anh dài khoảng 6km. Dự kiến tổng mức đầu tư của dự án là 22 nghìn tỷ đồng.
Tháng 9/2024, UBND TP Hà Nội đã có thông báo giao lại cho Sở Kế hoạch & Đầu tư và Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu đầu tư công đối với dự án cầu Tứ Liên.
Trong đó, Sở Giao thông Vận tải và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội sẽ triển khai phần cầu chính và đường dẫn hai đầu cầu. Huyện Đông Anh sẽ làm chủ đầu tư phần từ quốc lộ 5 đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.
Dự báo nhanh nhất cũng phải tới cuối năm 2025 mới xong các thủ tục, chủ trương đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên.
Hiện thành phố đang tập trung toàn lực cho dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô nên chưa xác định nguồn vốn thực hiện đầu tư cầu Tứ Liên tại thời điểm này. Đặc biệt, vấn đề khó nhất của dự án hiện nay là khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, dự kiến sẽ phức tạp, khó khăn, nhất là khu vực đầu cầu trên địa bàn quận Tây Hồ. Song song với đó, việc thi công xây dựng liên quan đến công tác đảm bảo an toàn đê sông Hồng. Do đó cần đặt ra bài toán về phương án kỹ thuật cụ thể, thiết kế cơ sở…
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, hiện thành phố đang cùng lúc triển khai nhiều dự án lớn như cầu Mễ Sở, Hồng Hà (trên Vành đai 4), Vân Phúc, Ngọc Hồi, Thượng Cát… Dự án nào hoàn thành chuẩn bị đầu tư trước thì triển khai trước để tận dụng hiệu quả nguồn vốn.
Đặc biệt sau bão Yagi, Hà Nội đang phải tập trung xử lý một loạt công trình cầu yếu, cầu tạm. Do đó, những dự án khác như cầu Tứ Liên khâu chuẩn bị đầu tư chưa xong, việc cấp tập xây mới những cây cầu này phải có lộ trình tính toán kỹ vì dự án đang sử dụng vốn ngân sách.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn