Thử áp dụng 3 công thức khen - chê con theo người Do Thái

17:09 | 01/12/2016;
'Không ít trẻ có tài năng nhưng do lời khen quá mức của cộng đồng đã 'hủy hoại' tài năng ấy. Việc khen - chê ảnh hưởng lớn tới quá trình phát triển của trẻ', chuyên gia giáo dục sớm Lại Thị Hải Lý cho biết.

Theo chuyên gia giáo dục sớm Lại Thị Hải Lý, sự thành công của đứa trẻ phụ thuộc rất nhiều vào sự khen - chê của bố mẹ. Khen - chê theo công thức của người Do Thái, trong 100% thành công thì bao gồm 80% thành công của chỉ số thông minh cảm xúc (EQ) và chỉ số thông minh vượt khó (AQ), 20% là chỉ số thông minh trí tuệ IQ.

khen-con-dung-cach-2.jpg
Khen đúng, chê đúng rất quan trọng với sự phát triển của đứa trẻ. Ảnh minh họa: internet.

Thế kỷ 21 là thế kỷ bùng nổ công nghệ, internet, nhiều trẻ em có năng khiếu về âm nhạc, hội họa… Tuy nhiên, nhiều trẻ em khi trưởng thành đã không thành công. Một trong số nguyên nhân là do lời khen - chê của cha mẹ, của xã hội đã khiến tài năng đó không được phát huy.

Chuyên gia giáo dục Hải Lý nhấn mạnh, theo giáo dục Do Thái, khen đúng là bạn, chê đúng là thầy, kẻ nịnh bợ ta là kẻ thù của ta. Khen đúng sẽ làm tăng chỉ số cảm xúc của con, khiến tinh thần của con phấn chấn, là chất xúc tác khiến con tự tin làm tốt hơn. Chê đúng là cách góp ý khiến con hoàn thiện bản thân.

Khen sai là khen con quá nhiều, con làm gì cũng khen liên tục thì sau này con sẽ không thể nghe được lời chê. Khi người khác chê thì con không kiên nhẫn nghe và sẽ phản ứng tiêu cực, bùng nổ cảm xúc, khiến con bị ảo tưởng sức mạnh và trở nên kiêu ngạo.

Trong khi đó, chê sai sẽ khiến con tự ti, tổn thương, cảm thấy không có giá trị và mất hết niềm tin vào cuộc sống.

khen-con.jpg
Khen đúng sẽ làm tăng chỉ số cảm xúc của con, sẽ khiến tinh thần của con phấn chấn, là chất xúc tác khiến con tự tin làm tốt hơn. Ảnh minh họa: internet.

Chính vì vậy, việc khen đúng, chê đúng rất quan trọng với đứa trẻ. Dưới đây là công thức khen - chê của người Do Thái:

1. Khen những gì mà con có thể thay đổi được, chứ đừng tập trung vào kết quả. Khen ngợi vào quá trình của con chứ không khen vào kết quả. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, 90% được khen vào sự cố gắng thì trẻ sẽ chấp nhận thử thách mới. Những em được khen thông minh thì luôn chọn cái dễ để làm cho an toàn, để giữ hình ảnh mình thông minh trong mắt người khác. Khi những đứa trẻ này bị thất bại thì luôn nghĩ mình không thông minh và dễ dàng bỏ cuộc. Trong khi đó, nếu khen con nỗ lực, con sẽ tập trung vào cái thay đổi được. Đó cũng là tố chất của người có chỉ số thông minh vượt khó. Với những người này, họ dễ thành công vì khi gặp thử thách cao họ sẽ nỗ lực hết mình để đạt được kết quả.

Cha mẹ cần chú ý lứa tuổi trong nguyên tắc khen - chê. Trẻ dưới 3 tuổi, khi khen cần kèm theo ánh mắt, nụ cười, ngôn ngữ cơ thể khiến con cảm nhận được tình yêu thương. Trẻ 2 tuổi, rất mẫn cảm với âm thanh, từ tượng thanh, tượng hình. 

2. Khen đúng mức và đúng mức độ. Cha mẹ là người hiểu rõ con mình như thế nào và có khả năng gì. Thế nên, cần khen đúng mức, tránh tình trạng tâng bốc, khen quá mức khiến con ngộ nhận khả năng của con, khiến con nghĩ lúc nào cũng hơn người. Khi không đạt được kết quả tốt, con sẽ cảm thấy đau lòng. Cha mẹ cũng đừng khen con tuyệt vời quá, vì tuyệt vời là khen ở mức độ rất cao. Chỉ cần khen con ở việc đơn giản như khi con biết dọn dẹp đồ chơi: "Con của mẹ người lớn rồi đấy!". Như vậy, trẻ sẽ cảm thấy mình là người lớn và cảm thấy được tôn trọng.

3. Đừng khen kiểu đánh giá mà khen vào tính chất, miêu tả những chi tiết. Nếu con nhảy đẹp, thì đừng nói "con nhảy đẹp quá". Cha mẹ cũng đừng khen "con học giỏi quá". Khen như thế sẽ khiến trẻ luôn chờ đợi người khác đánh giá mình như thế nào. Cha mẹ khen con bằng cách miêu tả theo 3 gợi ý: Hãy nói những gì mà cha mẹ nghe thấy, cảm thấy hoặc nói lời cảm ơn. Thí dụ: "Hôm nay mẹ thấy con tự giác dậy sớm. Mẹ thấy rất vui. Mẹ cảm ơn con!" - điều đó sẽ khiến con cảm thấy vui và hôm sau sẽ cố gắng dậy sớm như vậy.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn