Cần giữ cho thú cưng sạch, khỏe
Gia đình bạn nếu nuôi thú cưng từ trước thì hoàn toàn có thể giữ lại khi nhà có phụ nữ mang thai. Với điều kiện, thú cưng có sức khỏe tốt và được tiêm phòng đầy đủ. Hàng ngày, chơi đùa với chúng cũng là cách để các bà bầu giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi trong quá trình mang thai.
Bên cạnh đó, việc chăm sóc chu đáo thú cưng cũng thể hiện nhiều bản năng làm cha mẹ của bà bầu, thậm chí còn giúp gắn kết tình cảm tốt hơn giữa chính mẹ bầu và thai nhi.
Các nghiên cứu còn cho thấy, việc nuôi thú cưng giúp bà bầu ổn định huyết áp trong thai kỳ một cách hiệu quả. Các triệu chứng của trầm cảm khi mang thai cũng được giảm đáng kể khi thường xuyên tiếp xúc với những con vật đáng yêu.
Thú cưng trong nhà có thể là chó, mèo, chim, bò sát... Riêng trong phân mèo có ký sinh trùng Toxoplasmosis có thể gây dị tật thai nhi. Nếu mẹ bầu đã nuôi mèo trong nhiều năm có thể cơ thể từng bị nhiễm loại ký sinh này và đã hình thành kháng thể tự nhiên. Nếu cơ thể tồn tại kháng thể này thì sẽ không còn gây nguy hiểm đến thai nhi nữa.
Dù đã thân thiết với thú cưng bao nhiêu thì khi mang thai, mẹ bầu nên chú ý không để vật nuôi nằm trên giường. Sau khi tiếp xúc với thú cưng cần vệ sinh sạch sẽ tay chân bằng xà phòng hoặc nước rửa tay diệt khuẩn. Một trong những điều đặc biệt cần tránh là bà bầu không được tiếp xúc với nước tiểu và phân của vật nuôi. Đồng thời, thú cưng cần được vệ sinh sạch sẽ đều đặn, cắt tỉa lông, cắt móng để đảm bảo an toàn.
Nguy cơ nhiễm ký sinh trùng cao
Một số người thích nuôi các loài bò sát như thằn lằn, rắn hoặc rùa làm thú cưng. Chúng có thể mang vi khuẩn gây bệnh cho mẹ bầu, một trong số đó là vi khuẩn salmonella (khuẩn thương hàn). Mẹ bầu và trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ cao bị nhiễm salmonella. Vì thế nếu bạn mang thai, bạn nên đem những thú cưng này đi gửi càng sớm càng tốt.
Khi nuôi mèo, mẹ bầu dọn dẹp phân của chúng có nguy cơ cao nhiễm ký sinh trùng Toxoplasmosis. Đặc biệt, mèo ăn thịt sống, chưa chín thì lượng ký sinh trùng càng cao. Nếu mẹ bầu hay làm vườn, cần nhớ rửa tay kỹ sau khi làm vì có thể nhiễm khuẩn từ phân chó mèo và các sinh vật khác.
Bên cạnh đó, mẹ bầu có thể bị nhiễm bệnh do vết mèo cào. Chó là con vật trung thành, thân thiện và có thể hiểu ý chủ, tuy nhiên, khi nô giỡn, mẹ bầu không được để chó mèo nhảy chồm lên bụng.
Cả chó và mèo đều là những con vật rất dễ gây bệnh dại cho người thông qua vết cắn. Các virus bệnh dại gây hại cho hệ thống thần kinh trung ương và não. Các triệu chứng của bệnh dại bao gồm sốt, nhức đầu, ốm và khó chịu. Người mắc bệnh dại có thể tử vong chỉ trong vòng một vài ngày nhiễm virus.
Do đó, cách bảo đảm an toàn hơn cả là bạn tạm thời gửi vật nuôi sang nhà khác trong thời gian mang bầu.