'Thủ đô gió ngàn trong kháng chiến': Đều đặn giảm nghèo từ xây dựng nông thôn mới

15:14 | 19/08/2018;
Phong trào xây dựng nông thôn mới đánh dấu bước ngoặt vươn lên giảm nghèo ở xã Điềm Mặc (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) - nơi từng là thủ đô gió ngàn trong kháng chiến.
khu-di-tich-thai-nguyen-1.jpg
Khánh thành công trình tôn tạo Di tích Đoàn Phụ nữ cứu quốc, Hội LHPN Việt Nam (1948 - 1950), tại xóm Thẩm Doọc 1, xã Điềm Mặc (Định Hóa, Thái Nguyên), ngày 20/10/2017  Ảnh: PVH

 

Đổi thay từ một hộ nghèo do phụ nữ làm chủ
Năm 2006, chị Mã Thị Hiền kết hôn với anh Trần Văn Thành. Nhà anh Thành đông anh em. Lúc nhỏ, anh cũng sớm nghỉ học đi làm giúp gia đình lo cơm áo. Cái chữ rơi rụng dần đến giờ không giúp anh Thành đọc nổi trang báo. Cưới nhau xong, vợ chồng chẳng có gì ngoài mảnh đất nhỏ, dựng được túp lều tranh ở tạm tại xóm Song Thái 1, xã Điềm Mặc.
 
Bố mẹ chia cho anh Thành hơn 2 sào đất đồi trồng chè. Với diện tích ít ỏi này, không thể giúp vợ chồng chị mưu sinh. Công việc hằng ngày của anh chị là đi hái chè thuê, hoặc phụ hồ, ai thuê bất cứ thứ gì thì làm nấy. Hai đứa con lần lượt ra đời khiến cuộc sống của vợ chồng chị càng khó khăn hơn.
 
Chị Nông Thị Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN xã Điềm Mặc, cho biết, cảm thông với hoàn cảnh của anh chị, Hội thường xuyên trích quỹ hỗ trợ những đợt giáp Tết, đầu năm học. Nhưng việc giúp anh chị thay đổi cuộc sống thì vẫn chưa có cách nào hiệu quả.
 
Năm 2016, Báo PNVN hỗ trợ anh chị số tiền 25 triệu đồng xây mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo. Đây là số tiền được quyên góp từ chính cán bộ, phóng viên, nhân viên trong tòa soạn.
 
trao-mai-am-dinh-hoa.JPG
Báo PNVN trao tặng Mái ấm tình thương cho gia đình chị Mã Thị Hiền tại xóm Song Thái 1, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, Thái Nguyên. Ảnh: Thu Thủy

 

Hội LHPN xã cũng tạo điều kiện giúp anh chị làm thủ tục vay ngân hàng chính sách xã hội thêm 25 triệu đồng để dựng nhà. Chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể cũng huy động thêm, kinh phí, ngày công hỗ trợ anh chị. Sau 4 tháng, ngôi nhà gạch kiên cố rộng 60 m2 đã được dựng lên với một phòng khách, một phòng ngủ và khu công trình phụ.
 
Chị Hiền ngậm ngùi, những ngày đầu ngủ trong nhà mới, nửa đêm vợ chồng con cái vẫn giật mình khi nghe tiếng gió tiếng mưa. Như những năm trước là phải trở dậy lấy áo mưa che cho con ngủ. Giờ thì yên tâm, vợ chồng chỉ việc kéo chăn đắp cho con rồi ngủ tiếp.
 
Có nhà mới, anh chị tích cực làm lụng lo cho cuộc sống. Chị Hiền khoe, 2 năm vợ chồng tôi đã cố gắng trả hết khoản nợ 25 triệu đồng vay ngân hàng, lại mua được chiếc tủ lạnh để giữ thực phẩm cho con. Cuộc sống dẫu còn bộn bề khó khăn nhưng anh chị ít nhiều đã yên tâm với một mái ấm.
 
Từng bước đổi thay trên vùng quê cách mạng
Ông Ma Duy Vụ, Chủ tịch UBND xã Điềm Mặc, cho biết, 7 năm qua là quãng thời gian đổi thay rất lớn của xã. Là một xã của thủ đô kháng chiến Định Hóa với 24 di tích lịch sử, trong đó 5 di tích cấp quốc gia, 4 di tích cấp tỉnh, nhưng Điềm Mặc vẫn là xã khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo trước năm 2011 lên đến hơn 30%.
 
Năm 2011, Điềm Mặc bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Trong 7 năm qua, 24 km đường bê tông được xây dựng giúp người dân đi lại dễ dàng cả trong ngày thời tiết xấu. Bên cạnh đó là 6 km kênh mương nội đồng được bê tông hóa giúp việc tưới tiêu dễ dàng hơn. Cùng với đó là bà con được vay vốn ngân hàng chính sách xã hội thông qua các tổ chức chính trị xã hội. Ông Ma Duy Vụ cho biết, trước năm 2011, dư nợ cả xã chỉ vào khoảng hơn 2 tỷ đồng, đến nay đã tăng lên đến 24 tỷ đồng.
 
Với cây lúa, mặc dù vẫn sử dụng các giống bao thai, nếp cái hoa vàng nhưng cán bộ hướng dẫn kỹ thuật để người dân nhận biết và mua loại giống tốt cùng với kỹ thuật chăm bón, phòng bệnh đúng khoa học. Với cây chè, giống chè trung du năng suất, chất lượng thấp đã được thay thế bởi những giống mới là chè Lai xanh LDP1, TRI 777, Phúc Vân Tiên, Kim Tiên... Chè giống mới có nhiều ưu điểm: Nước ngọt, lá xanh, cánh đẹp, năng suất cao hơn và cũng vì thế bán với giá thành 150.000-200.000/kg so với giá chè trung du chỉ là 30.000/kg.
 
Chăn nuôi cũng có nhiều cải thiện. Từ việc tự cung tự cấp, người dân đã vay vốn đầu tư chăn nuôi gia súc gia cầm hàng hóa với quy mô lớn hơn. Hội LHPN mở các lớp dạy nghề may cho hơn 100 hội viên, phụ nữ. Sau khi tốt nghiệp, chị em tìm được công việc may tại các khu công nghiệp.
 
Với việc thay đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi và tạo thêm nhiều ngành nghề mới, cuộc sống của người dân đã dần thay đổi. Trong 7 năm qua, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo đều đặn giảm 3-4%. Tính đến nay, số hộ nghèo chỉ còn là 20,6%. Các trường mầm non, tiểu học đều đã đạt chuẩn quốc gia, riêng trường THCS Hoàng Ngân đang trong quá trình hoàn thiện cơ sở vật chất để được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
 
Ông Ma Duy Vụ cho biết, Điềm Mặc đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2021 sẽ hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn