Thu gom rác thải nhựa biển, biến rác thành tiền

16:02 | 20/03/2023;
"Thu gom rác thải nhựa biển, biến rác thành tiền" là mô hình điểm mới ra mắt của Hội LHPN huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) nhằm bảo vệ môi trường biển, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương.

Mô hình "Thu gom rác thải nhựa biển, biến rác thành tiền" được xây dựng tại xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Xã Phúc Thắng là xã mới được sáp nhập từ 2 xã Nghĩa Phúc và Nghĩa Thắng, nằm ở phía Nam huyện Nghĩa Hưng. Xã có tổng diện tích hành chính là 11,97km với 10.750 nhân khẩu. Với đặc thù của một xã ven biển, hiện nay, xã có khoảng 60% người dân làm nghề biển, số phương tiện khai thác trên biển ước tính đến nay khoảng 116 tàu công suất các loại. Bình quân mỗi thuyền đánh cá có từ 7 đến 8 lao động, tàu câu mực khoảng 30 - 40 thuyền viên/tàu trên một chuyến ra khơi dài ngày (3-7 ngày). Mỗi lần tàu ra biển, lượng rác thải nhựa thải xuống biển rất lớn.

Thực tế từ trước tới nay, khi các tàu hoạt động trên biển, chưa có tàu thuyền nào thực hiện thu gom rác thải, tất cả các loại rác sinh hoạt đều được vứt xuống biển, thói quen xấu này đã làm ảnh hưởng đến môi trường và đa dạng sinh học biển. Công tác bảo vệ môi trường biển vẫn còn nhiều khó khăn, trước hết là do nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường biển của người dân còn hạn chế.

Nhận thức được trách nhiệm của tổ chức hội, hội viên, phụ nữ với công tác bảo vệ môi trường; trước thực trạng trên, Hội LHPN huyện Nghĩa Hưng đã chỉ đạo Hội LHPN xã Phúc Thắng phối hợp với cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Ngọc Lâm khảo sát ra mắt mô hình "Thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ, biến rác thành tiền" gây quỹ hỗ trợ cho trẻ em và phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Thu gom rác thải nhựa biển, biến rác thành tiền  - Ảnh 1.

Các hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường biển tại địa phương

Trong quá trình xây dựng khảo sát, đẩy mạnh công tác tuyên truyền từ tháng 12/2022 đến nay, Hội LHPN xã đã tổ chức nhiều cuộc họp với các chủ tàu, thống nhất xây dựng nội quy. Đồng thời Hội tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác để các chủ tàu hiểu rõ hơn về mô hình và vận động các tổ thuyền có lưới cũ bỏ đi, Hội LHPN sẽ xin lại. Những tấm lưới cũ này được cán bộ Hội tận dụng để nhờ các chị em biết đan vá lại thành từng túi đựng rác để cấp phát cho các tổ thuyền.

Sau khi khảo sát, Hội LHPN xã đã lựa chọn 25 tàu làm thí điểm. Chủ tàu ký cam kết thực hiện hoạt động giảm rác thải nhựa, phân loại rác trên tàu và mang về bờ để Hội LHPN xã, chi hội trưởng thu gom. Vào ngày 15 hàng tháng, số rác thải nhựa sẽ được thu gom lại bán và bổ sung kinh phí vào nguồn hỗ trợ đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Sau hội nghị ra mắt mô hình, Hội LHPN xã sẽ giao cho những chi hội có hội viên là chủ tàu tham gia đánh bắt thủy hải sản trên biển thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các thành viên trong tổ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn của các tổ thuyền, đề xuất kịp thời những yêu cầu cần giúp đỡ của từng tổ thuyền về Hội LHPN xã để có hướng giải quyết.

Thu gom rác thải nhựa biển, biến rác thành tiền  - Ảnh 2.

Các thành viên ký cam kết thực hiện mô hình

Đại diện Hội LHPN huyện Nghĩa Hưng chia sẻ: Hy vọng mô hình "Thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ, biến rác thành tiền" được lan tỏa đến Hội LHPN các xã ven biển, không chỉ thu gom rác thải trên biển, mà thu gom rác thải tại các nơi công cộng trên địa bàn dân cư.

Việc thành lập mô hình điểm tại xã Phúc Thắng là một hoạt động thiết thực, ý nghĩa, nhằm bảo vệ môi trường biển và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình này sẽ được nhân rộng, với những cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện từng đơn vị để lan tỏa tính nhân văn của mô hình. Qua đó, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cán bộ, hội viên, nhân dân, góp phần thực hiện cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" gắn với nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn