Tạo thu nhập từ... rác thải
Ngôi nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Hường và ông Bùi Quang Miêng nổi bật hẳn so với các ngôi nhà khác ở vùng biển Nam Sơn (xã Trung Giang, huyện Gio Linh, Quảng Trị) bởi giàn hoa giấy sắc hồng trước ngõ. "Cả 2 vợ chồng tôi đều có sở thích trồng hoa nhưng vì muốn có một vườn cây cảnh đẹp thì chi phí bỏ ra lớn. Vào khoảng tháng 10/2017, vợ chồng tôi xem trên YouTube, thấy người ta hướng dẫn cách làm chậu hoa, chậu cây cảnh từ các vật dụng trong gia đình nên vợ chồng tôi bắt đầu có ý tưởng sử dụng rác thải nhựa tái chế thành những chậu hoa", bà Hường nhớ lại.
Nhà chỉ cách biển 500m, hàng ngày, vợ chồng ông bà có thói quen ra biển tắm và tập thể dục. Những lúc ấy, bà Hường thấy trên bãi biển có nhiều phao nhựa, phao xốp nằm ngổn ngang. Trong đầu bà Hường ý nghĩ: "Nhiều rác thải nhựa như vậy, tại sao mình không thu gom lại để tái chế thành chậu hoa. Vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa có thêm thu nhập cho gia đình?". Thế là bà cùng chồng đi dọc bãi biển xã Trung Giang để thu gom rác thải nhựa mang về nhà.
Sau đó, ông bà đã tái chế thành những sản phẩm đầu tiên. Mỗi khi 2 vợ chồng làm được một chậu hoa, bà Hường chụp ảnh đăng lên trang cá nhân và nhận được nhiều lời động viên, tán thưởng, thậm chí nhiều người ngỏ ý đặt hàng. Những chậu hoa đầu tiên được khách hàng trả với giá 50-70 ngàn đồng, khiến ông bà có động lực làm hơn.
Theo bà Hường, với các phao nhựa nổi, ông bà cưa bỏ đi một phần miệng phao, sau đó sơn màu lên để tạo thành các chậu trồng cây. Đối với các rác thải khác như mũ, áo len, áo phông..., hai ông bà nhúng vào chậu xi măng rồi nhấc ra để tạo hình. Sau khi xi măng khô thì quét lên các màu sơn rồi mang trồng cây. Khoảnh sân của gia đình ông bà hiện trồng đủ các loại hoa và cây cảnh như: hoa giấy, hoa đồng tiền, mắt nai, dạ yến thảo, thần tài, cây trúc, si, sanh... Khách hàng biết đến sản phẩm chậu hoa từ vật liệu tái chế của ông bà ngày càng nhiều, lượng tương tác trên Facebook ngày càng tăng. Người quen tìm đến tận nhà hỏi mua, khách lạ thì đặt hàng qua mẫu có sẵn trên Facebook. Từ đó, ông bà có thu nhập bằng nghề làm chậu hoa. "Chúng tôi chỉ tranh thủ làm vào 2 ngày cuối tuần. Mỗi tháng cũng thu về được vài triệu đồng để trang trải cuộc sống", bà Hường chia sẻ.
Lan tỏa trong cộng đồng dân cư
Không chỉ giúp gia đình có thêm thu nhập, vợ chồng bà Hường còn lan tỏa phong trào tái chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư. Nhận thấy hiệu quả của việc tái chế rác thải, nhiều người dân xung quanh hưởng ứng làm theo. Bà Hường cho biết, tại cuộc thi làm sản phẩm tái chế do Hội LHPN tỉnh Quảng Trị tổ chức, bà đã mạnh dạn đưa sản phẩm đến dự thi và giành được giải Nhì. Mới đây, trong buổi lễ biểu dương những tấm gương điển hình trên các lĩnh vực của Hội LHPN huyện Gio Linh, bà Hường được chọn là một trong những người thuyết trình, chia sẻ kinh nghiệm tái chế rác thải nhựa thành những vật dụng hữu ích.
Hiện tại, bà Hường là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Nam Sơn, còn ông Miêng là Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Giang. Cả 2 vợ chồng ông bà đều là đảng viên. Với vai trò là cán bộ, đảng viên, ông bà thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon, thay đổi thói quen sử dụng rác thải nhựa và không xả rác bừa bãi ra môi trường, góp phần cải thiện môi trường sống ở thôn Nam Sơn và các thôn lân cận.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn