Ngày 22/10, PGS.TS Trần Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (BV Việt Đức) cho biết, BV vừa tạo hình vòng 2 thành công cho doanh nhân Q.T.H (45 tuổi, Hà Nội).
Bệnh nhân cho biết, sau khi sinh con thứ 2, cơ thể tự nhiên phát phì ra không phanh nổi. Thời kỳ cao điểm cân nặng đã đạt tới 90 kg, sau đó giảm còn 70kg. Cũng từ đó các dấu hiệu của bệnh thoái hóa gối đã bắt đầu xuất hiện, mỡ máu luôn ở chỉ số cao và đường huyết thì lúc nào cũng ở ngưỡng cao hơn bình thường. Đặc biệt, vòng 2 của bệnh nhân chảy xệ, nhiều khi phải vén mãi mới dấu được vào trong quần nên đến BV để thăm khám.
Tại BV, sau khi thăm khám, các bác sĩ tư vấn bệnh nhân thực hiện phẫu thuật tạo hình bụng để giảm bớt lượng da mỡ thừa này và được đồng ý. Sau gần 4 tiếng, các bác sĩ đã thực hiện thành công ca phẫu thuật. Theo đó, các bác sĩ đã hút hơn 3,5 lít mỡ đặc và cắt hơn 3kg da thừa vùng bụng từ trên rốn đến nếp lằn bụng dưới trên xương mu. Tổng lượng da và mỡ lấy ra được khoảng hơn 6,5 kg- lớn gấp hơn 2 lần so với một ca tạo hình bụng thông thường.
Sau phẫu thuật một ngày, bệnh nhân đã có thể đi lại nhẹ nhàng trong buồng bệnh. Sau 4 ngày, sức khỏe bệnh nhân đã hoàn toàn hồi phục.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, thông thường sau giảm cân khối lượng lớn, hầu như toàn bộ các vùng bụng ngực lưng mông đùi đều có hiện tượng chảy xệ và da thừa rơi xuống nhiều. Tùy vào mức độ sa trễ của từng cơ quan bộ phận mà các phẫu thuật viên và người bệnh sẽ phải chọn lựa vùng ưu tiên điều trị trả lại hình dáng cơ thể cho người bệnh, trong đó phẫu thuật tạo hình thành bụng thường là phẫu thuật được ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên, việc phẫu thuật tạo hình bụng cho những bệnh nhân giảm cân khối lượng lớn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. PGS. Trần Hồng Hà phân tích: Trong gây mê hồi sức, các bệnh nhân này thường tiềm ẩn các bệnh tật về mỡ máu, đái tháo đường, cao huyết áp, tim mạch. Vì vậy, bệnh nhân cần phải được khám và tư vấn đầy đủ, ghi chép về tiền sử các bệnh tật trước đây, cũng như tiền sử phẫu thuật, dị ứng. Trong phẫu thuật cần chú ý cầm máu thật tốt vì ở bệnh nhân béo phì các mạch máu bao giờ cũng phát triển to ra và khi giảm cân thì các mạch máu vẫn không thu nhỏ lại được. Nếu việc cầm máu trong mổ không tốt có thể dẫn đến tình trạng chảy máu ồ ạt sau mổ.
Hơn nữa, việc hút mỡ trong mổ cũng cần hết sức thận trọng, bởi không phải cứ hút càng nhiều là càng tốt. Hiệp hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ Hoa Kỳ đã khuyến cáo không nên hút lượng mỡ quá nhiều, khi vượt quá 5 lít sẽ gây ra hiện tượng mất dịch và máu trầm trọng. Sau mổ bệnh nhân phải nằm theo dõi điều trị trong khu gây mê hồi sức tích cực và đôi khi phải truyền máu. Để hút được lượng mỡ lớn người ta cũng cần tiêm vào cơ thể một lượng thuốc tê lớn để giảm đau cho người bệnh vì vậy làm tăng nguy cơ ngộ độc thuốc tê có thể dẫn tới tử vong.
Ngoài ra, các biến chứng khác như tắc mạch phổi do mỡ hay do huyết khối tĩnh mạch, nhiễm trùng, chấn thương bụng ruột,… cũng có thể xảy ra giống như các trường hợp phẫu thuật tạo hình bụng thông thường khác.
"Nếu được tiến hành một cách kỹ càng, tỉ mỉ, đúng quy trình thì tỷ lệ biến chứng trở nên rất thấp. Người bệnh cũng sẽ giảm được rất nhiều các nguy cơ của các bệnh mỡ máu, đái đường, cao huyết áp hay đơn giản như thoái hóa khớp gối"- PGS. Trần Hồng Hà phân tích.