Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên cho biết, Quảng Ngãi có 5 huyện miền núi, chiếm 61% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Các huyện miền núi Quảng Ngãi có nguồn lao động đồi dào, có nhiều tuyến giao thông quan trọng thông thương kết nối thuận tiện, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đồng thời cũng là vùng có nhiều tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trong những năm qua kinh tế-xã hội các huyện miền núi Quảng Ngãi vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của vùng.
Để đẩy mạnh phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Quảng Ngãi đã xác định và đề ra mục tiêu phát triển nông nghiệp các huyện miền núi theo hướng chất lượng cao, ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, gắn với chuỗi giá trị, kết nối chế biến với thị trường, từng bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang các mô hình kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Đồng thời, tỉnh cũng có nhiều chính sách đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi, cung cấp dịch vụ công tiện ích, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đến đầu tư, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cho biết thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã hết sức quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung nguồn lực từ ngân sách Nhà nước đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù; tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, y tế, văn hóa, giáo dục, sinh kế tạo việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất… Nổi bật là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; chương trình dân tộc thiểu số miền núi.
Để thu hút đầu tư phát triển các địa phương miền núi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị Quảng Ngãi cần lựa chọn, nghiên cứu thu hút đầu tư, phát triển tạo ra sản phẩm đặc trưng của Quảng Ngãi mang tính bền vững, đẩy mạnh liên kết vùng để tận dụng, phát huy tối đa lợi thế các địa phương. Mục tiêu lớn nhất là hướng đến người dân, phát huy tính tự lực, tự cường làm cho người dân miền núi của Quảng Ngãi thực sự no ấm, có thu nhập ổn định, sống được trên chính mảnh đất của mình, đồng thời phấn đấu đạt được mục tiêu của tỉnh đó là giảm nghèo ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mỗi năm 5%.
Theo ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng, thế mạnh, với diện tích đất tự nhiên rộng lớn, là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp với các ngành chính là chăn nuôi đại gia súc, trồng cây công nghiệp và phát triển kinh tế lâm nghiệp; là vùng có điều kiện để phát triển công nghiệp về chế biến nông lâm sản; khai thác, chế biến khoáng sản, thủy điện. Đồng thời cũng là vùng có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trong thời gian qua, những tiềm năng, lợi thế này chưa được khai thác để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Với mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo bền vững, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Ngãi đã xác định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, gắn nông nghiệp với du lịch, liên kết theo chuỗi giá trị, kết nối công nghiệp chế biến với thị trường tiêu thụ, từng bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, gắn kết nông nghiệp với lâm nghiệp... nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo bước phát triển đột phá cho lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn