Thu hút đầu tư xanh như thế nào cho phù hợp?

20:20 | 05/12/2023;
Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn cần hiểu thế nào cho đúng và thu hút đầu tư xanh như thế nào cho phù hợp để không ảnh hưởng đến chiến lược phát triển chung của đất nước.

Đó là những nội dung được quan tâm tại Hội thảo "Thu hút đầu tư xanh: Lọc ngành hay giảm phát thải?" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 5/12.

Tăng trưởng xanh là xu hướng tất yếu trên toàn cầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành với mục tiêu giảm phát thải, xanh hóa các lĩnh vực kinh tế.

Cụ thể, tại COP26 (Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26), Thủ tướng Chính phủ cam kết mạnh mẽ Việt Nam sẽ đạt phát thải ròng bằng 0% vào năm 2050. Hiểu một cách đơn giản thì tăng trưởng xanh của Việt Nam là hành trình đưa phát thải ròng về 0% vào năm 2050. 

Từ sau COP26, Việt Nam vừa chống đại dịch vừa thực hiện cam kết chống biến đổi khí hậu. Hai năm qua, kinh tế ổn định, lạm phát, nợ công, nợ Chính phủ, bội chi ngân sách đều được kiểm soát. Nền kinh tế Việt Nam có nền tảng tốt, tạo dư địa phát triển những năm tới theo hướng chuyển đổi xanh, tuần hoàn.

Thu hút đầu tư xanh như thế nào cho phù hợp?- Ảnh 1.

Các đại biểu tham gia Hội thảo “Thu hút đầu tư xanh: Lọc ngành hay giảm phát thải?"

Trên thực tế, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài gặp khó khăn khi làm thủ tục đầu tư vào Việt Nam. Lý do là một số địa phương có tâm lý nghe thấy ngành nào "có vẻ ô nhiễm" là không mặn mà, thậm chí gạt luôn. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu cho thấy, hầu hết các ngành chủ lực của nước ta như: dệt may, nông nghiệp, vận chuyển, sản xuất và xây dựng... đều là những ngành công nghiệp gây ô nhiễm hàng đầu. Làm thế nào để thu hút đầu tư xanh và không ảnh hưởng đến chiến lược phát triển chung của đất nước?

Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ - nhận định: Các cơ quan quản lý phải định nghĩa lại phát triển xanh. Không thể chỉ nghe thấy doanh nghiệp sản xuất vật liệu cơ bản, hóa chất cơ bản là "auto" xếp vào ngành ô nhiễm. Bởi, có rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới sản xuất pin cho ô tô điện - phương tiện giao thông xanh phải dùng nguyên liệu đầu vào từ quặng. Tuy nhiên, họ đã bỏ ra số tiền rất lớn để đầu tư công nghệ cao với quy trình chặt chẽ, không hề có phát thải. Muốn đăng ký đầu tư, họ sẽ phải trình xin chủ trương, chứng minh rất nhiều yếu tố. Chính những rào cản như vậy vô hình trung làm giảm cạnh tranh trong thu hút đầu tư vốn đầu tư nước ngoài.

Thu hút đầu tư xanh như thế nào cho phù hợp?- Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ.

Vậy nên, câu chuyện kiểm soát phát triển xanh phải là sự phối hợp của 3 đơn vị: Nhà quản lý, các nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp (KCN) và nhà đầu tư sản xuất trong KCN. Từ lợi thế địa phương, cơ quan quản lý xác định phát triển ngành nghề gì, kêu gọi ngành nghề gì, từ đó đặt ra mục tiêu giảm phát thải. Nhà đầu tư phát triển KCN là cánh tay nối dài của nhà nước, đưa những quy chế để yêu cầu các nhà đầu tư vào sản xuất trong KCN tuân thủ, cùng thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.

Ông Lê Viết Phúc, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết: Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đẩy mạnh thu hút đầu tư của các doanh nghiệp theo hướng công nghệ cao, ứng dụng thông minh trong quản lý vận hành, tiến tới mục tiêu phát triển "xanh", sinh thái. Song, vấn đề khó khăn trong việc thu hút dự án xanh là các nhà đầu tư rất quan tâm đến vị trí nhà máy thuận lợi, muốn dự án đầu tư phải gần khu vực cảng, gần vị trí giao thông… Nếu đáp ứng thì không thể giữ vững định hướng phân vùng, phá vỡ quy hoạch trong quá trình thu hút đầu tư; còn nếu không đáp ứng thì nhà đầu tư sẽ đi nơi khác.

Với kinh nghiệm 30 năm làm chính sách, ông Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 của TPHCM, chia sẻ: TPHCM nhận thức rất rõ về kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn nên đang triển khai các vấn đề lớn. Thứ nhất, đó là tập trung kinh tế xanh gắn với phát triển đô thị xanh. Thứ 2, phát thải rất lớn đối với thành phố này, nhất là giao thông nên cơ cấu lại giao thông, kể cả giảm xe máy… làm sao giảm phát thải nhà kính. Thứ 3, hiện nay ưu tiên chuyển đổi 17 khu công nghệ - khu chế xuất công nghệ đã lạc hậu, chọn 5 khu làm thí điểm. Đối với vấn đề năng lượng, tập trung giảm tiêu hao năng lượng trên một đơn vị giá trị gia tăng. Theo thống kê hiện nay, Việt Nam chưa cần tăng năng lượng nhưng nếu tiết kiệm được 30% thì tự nó tăng thêm nguồn cung cấp mà không tăng phát thải nhà kính.

Thu hút đầu tư xanh như thế nào cho phù hợp?- Ảnh 3.

Ông Vũ Tiến Lộc (bìa phải), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phát biểu tại hội thảo

Ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đề xuất một số nội dung như: Cần phải có những dự án tiên phong bứt phá vươn lên, tạo nên điểm đột phá trong tốc độ chuyển đổi xanh của nền kinh tế; chọn một số địa phương làm thí điểm và có thể chọn địa phương đi sau trong phát triển công nghiệp xanh. Đặc biệt, phải quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ để có chính sách phù hợp, hỗ trợ về nhận thức, quản trị để thực hiện chuyển đổi xanh…

Việt Nam cần xây dựng chiến lược quốc gia phù hợp cho từng ngành, từng lĩnh vực và có sự phối hợp liên ngành. Các bộ ngành phối hợp xây dựng bộ chỉ tiêu phát triển xanh phù hợp, phân loại xanh, tiêu chuẩn định mức đi theo là gì để các địa phương ghi nhận đầu tư, các chính sách hỗ trợ của nhà nước cũng theo chuẩn quốc gia đó để thúc đẩy và giám sát đầu tư.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn