Làm việc 4 ngày 1 tuần và mức lương y như cũ? Nghe có vẻ xa vời nhưng thực tế mô hình làm việc này đã được áp dụng tại Vương quốc Anh.
Giữa năm ngoái, Anh tổ chức một cuộc thử nghiệm quy mô lớn với hơn 3.000 người lao động. Họ được phép làm việc trong 4 ngày mà không bị trừ lương, với điều kiện là vẫn phải cam kết duy trì được 100% năng suất.
Thử nghiệm kéo dài trong 6 tháng và được hỗ trợ thực hiện bởi các nhà nghiên cứu đến từ đại học hàng đầu như Đại học Cambridge, Đại học Oxford và Đại học Boston. Đây được đánh giá là cuộc thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày lớn nhất thế giới.
Các công ty tham gia có thể áp dụng các phương pháp khác nhau để rút ngắn tuần làm việc của nhân viên, họ có thể cho nghỉ một ngày mỗi tuần hoặc giảm số giờ làm việc xuống còn 32 giờ mỗi tuần.
Sau thử nghiệm, các nhân viên đã báo cáo họ cải thiện giấc ngủ, sức khỏe tinh thần rất nhiều. Về gia đình, người lao động có nhiều thời gian hơn để chăm con, thời gian nam giới dành cho việc chăm sóc con cái tăng hơn gấp đôi so với nữ giới, cho thấy tuần làm việc ngắn hơn cũng góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.
Doanh thu của các công ty nhìn chung không biến động trong suốt sáu tháng thử nghiệm, thậm chí có công ty tăng trung bình 35% so với cùng kỳ các năm trước. Số lượng người xin từ chức giảm.
Trong số 61 công ty tham gia thử nghiệm, 56 công ty cho biết họ sẽ tiếp tục thực hiện tuần làm việc 4 ngày sau khi chương trình thí điểm kết thúc, 18 công ty quyết định chính sách làm việc vĩnh viễn. Chỉ có 3 tổ chức quyết định tạm dừng thí nghiệm. Đa số công ty thích ứng được với mô hình này.
Thử nghiệm này dường như tỏ ra hiệu quả, nhất là trong xu thế các hình thức làm việc trên toàn cầu đang trở nên linh hoạt hơn. Hơn nữa, giữa tình hình lạm phát và kinh tế khó khăn, một giải pháp như vậy được ra đời nhằm giảm bớt gánh nặng cho người lao động.
Công ty tư vấn môi trường Tyler Grange đã áp dụng vĩnh viễn lịch trình bốn ngày cho khoảng 100 nhân viên của mình sau cuộc thử nghiệm. Tính đến thời điểm hiện tại, năng suất nhân viên tăng 20%. Có thêm một ngày ở nhà cũng giúp nhân viên công ty cắt giảm chi phí chăm sóc trẻ và đi lại.
Giờ đây, một số tổ chức coi chính sách tuần làm việc bốn ngày như một vũ khí mới trong cuộc chiến chiêu mộ nhân tài. Người gửi hồ sơ xin việc đến Tyler Grange tăng gấp đôi sau khi thử nghiệm bắt đầu, mặc dù có rất ít vị trí tuyển dụng. “Tuần làm việc bốn ngày là một chiến lược quan trọng để thu hút và giữ chân nhân viên,” tổ chức này cho biết.
Chính sách này cũng rất được lòng các bậc phụ huynh. Michelle, một giám đốc điều hành truyền thông 49 tuổi, nói rằng thời gian được nghỉ giúp cô có thêm thời gian cho đứa con trai 9 tuổi mắc chứng tự kỷ. “Tôi có thể đón con ở trường, chúng tôi có thể dành nhiều thời gian hơn cho nhau. Chính sách này tạo ra một sự khác biệt rất lớn đối với các bậc cha mẹ”, cô cho biết.
Mặc dù mô hình tuần làm việc bốn ngày đã đạt được một số thành công nhất định, nhưng vẫn chưa đủ tiêu chuẩn để áp dụng trên toàn cầu, hơn nữa vẫn bị cản trở bởi quy mô của tổ chức. Hầu hết các công ty tham gia thử nghiệm ở Anh đều nhỏ, 66% trong đó có từ 25 nhân viên trở xuống nên sẽ dễ linh hoạt hơn. Bản thân các tổ chức này cũng không ngần ngại thử nghiệm các mô hình làm việc mới.
Những người phản đối lập luận rằng hình thức này không khả thi, đặc biệt là những người lao động làm trong ngành chăm sóc trẻ và chăm sóc sức khỏe - những ngành thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động. Một số người nghi ngờ giờ làm việc sẽ tỉ lệ thuận với năng suất, tức là làm ít hơn thì năng suất cũng thấp hơn.
Một số nhân viên vẫn sẵn sàng làm việc ngoài giờ. Theo Viện Nhân sự và Phát triển Chartered, một cơ quan dành cho các chuyên gia nhân sự, nhiều người dốc sức làm thêm giờ để tăng thu nhập và sống sót qua cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Đáp lại những hoài nghi, người ủng hộ chính sách nhấn mạnh rằng mô hình này có thể không phù hợp với mọi tổ chức. Các cuộc thử nghiệm quy mô lớn hơn đang được tiến hành trên toàn cầu để đánh giá tính khả thi của mô hình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn