Thu nhập 20 triệu đồng mỗi tháng từ trồng nấm rơm

08:10 | 10/09/2019;
Tốt nghiệp Đại học Nông lâm Thái Nguyên, sau vài năm "nhảy việc", Lương Thị Kim Ngọc (hiện là Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Minh Ngọc - xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, Bắc Ninh) quyết định về quê xây nhà xưởng, trồng nấm. Hiện HTX của cô đã có những thành công đáng kể.

Điều ai cũng cảm nhận rất rõ mỗi khi trò chuyện với Lương Thị Kim Ngọc, ấy là ở cô luôn toát ra sự say mê và truyền cảm hứng. Kim Ngọc có thể nói cả tiếng về nấm với bao ý tưởng và dự định trong tương lai.

Tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Thái Nguyên năm 2011, như nhiều bạn trẻ sinh viên ra trường khác, Kim Ngọc “ôm” hồ sơ đi xin việc và thử sức ở một vài chỗ làm. Năm 2015, sau một thời gian tìm hiểu và nhận thấy nấm là loại thực phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhu cầu thị trường lớn, cô đã quyết tâm khởi nghiệp với mô hình trồng các loại nấm rơm, nấm Kim Phúc, nấm sò.

 

z1529239844889_8e77daedf37a55705e9e27a7520b99f3.jpg
Hàng ngày, Kim Ngọc dành thời gian và niềm đam mê lớn cho xưởng nấm

 

Bắt tay vào việc, biết là sẽ gian nan, vất vả nhưng Kim Ngọc khá tự tin và quyết tâm đem những kỹ năng, kiến thức thu nạp được để phát triển sự nghiệp. Với khát vọng của một người trẻ muốn thoát khỏi lối mòn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, Kim Ngọc lên kế hoạch đầu tư hệ thống nhà xưởng, máy móc sản xuất nấm.

Kim Ngọc kể, lúc bắt tay khởi nghiệp, cô chỉ có số vốn vỏn vẹn 100 triệu đồng, trong khi đó, nếu muốn xây dựng hệ thống nhà xưởng hiện đại thì cần có một số vốn tương đối lớn. Trăn trở mãi, cô đã mạnh dạn vay thêm 300 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.

Có tiền, cô bắt tay vào thuê đất, xây dựng khu nhà xưởng, mua máy móc, thiết bị, lắp đặt hệ thống máy tưới phun bán tự động thuận tiện cho việc điều chỉnh độ ẩm, hệ thống ánh sáng nhân tạo bằng bóng đèn tiết kiệm điện, giàn giá nuôi trồng hiện đại…

Theo cách làm truyền thống, trồng nấm cần phải có nguồn nguyên liệu là rơm. Song những năm gần đây, vào mùa thu hoạch lúa, người nông dân thường không giữ lại rơm mà đốt hoặc hủy ngay tại ruộng, vì thế rất khó khăn trong việc thu gom rơm. Ứng phó với việc này, Kim Ngọc đã sử dụng bông để thay thế. Bông khi thu về được hấp, ủ cho có độ ẩm nhất định, sau đó được khử khuẩn và đưa vào nhà nuôi trồng. Quy trình từ khi bắt đầu trồng đến lúc thu hoạch kéo dài 25 ngày, cho sản lượng trung bình 2 tạ/tấn nguyên liệu.

 

luong-kim-ngoc.jpg
Lương Thị Kim Ngọc kiểm tra quy trình sản xuất nấm.

 

Những vụ nấm ban đầu, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên nhiều đợt bị hỏng, nấm phát triển chậm, sản lượng thu hoạch thấp. Bên cạnh đó, mặt hàng này còn khá lạ lẫm với người dân trong xã nên chị gặp không ít khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Không nản chí, sau những phút lắng xuống trước khó khăn, Kim Ngọc lại hào hứng đặt quyết tâm theo đuổi và kiên trì với mô hình sản xuất của mình. Qua mỗi vụ nấm, cô lại tích lũy được thêm nhiều kinh nghiệm, đồng thời tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Dần dần năng suất tăng, mỗi năm Kim Ngọc thu hoạch được gần 10 tấn nấm. Nấm sò dễ trồng cho năng suất cao nhưng giá bán chỉ đạt 30.000 – 35.000 đồng/kg. Vì thế, Ngọc đã chuyển hẳn sang chuyên trồng nấm rơm. Hiện giá nấm bán tại các chợ đầu mối dao động 80.000 – 90.000 đồng/kg, lúc cao điểm có thể lên tới 110.000 đồng/kg. Nhờ đó, trừ mọi chi phí, mỗi tháng, Kim Ngọc thu về bình quân khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Được biết, dự án mô hình trồng nấm của Kim Ngọc từng đạt giải Nhất Vòng chung khảo Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp năm 2018 do Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh trao tặng. Cũng trong năm này, Kim Ngọc bàn với chồng và quyết định cải tạo thêm hơn 200m2 nhà xưởng để trồng nấm công nghệ cao, chế tạo thành công tủ trồng nấm mini tự động. Tổng diện tích trồng nấm của Kim Ngọc hiện được mở rộng lên đến 500m2.

 

ngoc2.jpg
Mô hình sản xuất nấm sò của Lương Thị Kim Ngọc đạt giải Nhất Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp năm 2018

 

Với mô hình trồng nấm hiện tại, dự kiến 1 năm, cơ sở sản xuất của Kim Ngọc sản xuất khoảng 25 tấn nguyên liệu; sau khi trừ chi phí, cho thu lãi hơn 200 triệu đồng. Chia sẻ về tương lai, Ngọc mơ ước khi có nguồn vốn kha khá, bên cạnh việc kiện toàn cơ sở sản xuất, xây dựng logo thương hiệu, cô sẽ nghiên cứu để đầu tư hệ thống cấp đông nhằm bảo quan sản phẩm được lâu hơn.

Từ thành công của mình, Lương Thị Kim Ngọc đã đứng ra thành lập và trở thành Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Minh Ngọc với 7 thành viên và hướng tới xây dựng thương hiệu nấm sạch, nhằm đưa vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn. Hiện, Kim Ngọc đã hoàn thiện bộ hồ sơ VietGAP để đưa sản phẩm vào các cửa hàng bán thực phẩm sạch và kí hợp đồng với các công ty bao tiêu nhằm đưa sản phẩm nấm tới người tiêu dùng. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn