Ông Bùi Vinh Thắng (76 tuổi) chia sẻ, hồi nhỏ sau lần bị sởi, đậu mùa biến chứng, ông mù cả hai mắt. Nhà ông có tới 8 anh chị em. Hiện tại, có ba người đã mất. 5 người còn sống ở gần nhau và đều có gia đình riêng, chỉ có ông là sống một mình, không vợ con.
Thi thoảng, người thân và các cháu mới qua thăm ông, còn lại ông phải tự lo cho cuộc sống của mình. Ngày thường, cứ gần trưa ông sẽ đi bán tăm, ngày Tết thì ông ra khỏi nhà từ sáng sớm.
Ông thường tự đi bộ hoặc gặp người quen thì nhờ chở ra ngồi ở cây cầu, cách chùa Lưu Bái (Kiều Mai, phường Phúc Diễn, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) vài trăm mét hoặc ở Nhà văn hóa Thị Cấm. Giá gói tăm ngày thường ông bán 6.000 đồng, ngày Tết vẫn giữ nguyên giá.
Ông Thắng cho biết, ngày Tết, giá gói tăm 6.000 đồng nhưng đa số mọi người đều đưa ông 10.000 đồng/gói, thậm chí đưa tiền cho ông mà không lấy tăm. Có người biết, ngày Tết hàng quán nghỉ, ông không mua được gói xôi hay cái bánh mì, nhịn đói từ sáng đến trưa nên ngoài biếu tiền, họ còn tặng ông đồ ăn, bánh, kẹo.
Nhiều người đi đường dừng lại mua tăm hoặc mừng tuổi ông Thắng.
"Nhiều người mừng tuổi tôi lắm, có người mừng 50.000 hay cả 100.000 đồng. Mấy ngày Tết, ngày nào tôi cũng nhận được mấy trăm nghìn đồng"- ông Thắng vui vẻ kể. Ai đưa tiền, ông cũng hỏi mệnh giá tiền và để riêng từng đồng vào túi. "Tôi không bao giờ đếm tiền ngoài đường, cứ cộng nhẩm để biết được bao nhiêu tiền thôi!".
Hỏi "Sao ông không vào trước cổng chùa ngồi cho mát?". Ông Thắng thủng thẳng, ngồi trong đó thì người đi lễ cùng lắm cho ít hoa quả hoặc túi lộc, có cả trầu cau, có ăn được đâu. Ngồi phía ngoài cầu nhiều người đi lại hơn.
Ông Thắng chia sẻ: "Nhiều người khuyên tôi nên mua muối về bán vì người dân vẫn có quan niệm mua muối đầu năm để lấy chút may mắn. Nhưng 1kg muối chia thành mấy chục gói, bán giá ‘cắt cổ’ 10.000 đồng/gói thì tôi không làm được nên tôi vẫn bán tăm thôi. Tăm nhà nào cũng cần dùng nên mua tăm vừa thiết thực và cũng là lấy lộc. Mỗi ngày tôi cũng chỉ bán được 10 đến 20 gói, cộng với tiền trợ cấp cho người tàn tật, tôi cũng đủ duy trì cuộc sống".
Địa điểm bán hàng của ông Thắng gần chùa Lưu Bái.
Quan điểm "kinh doanh" có tâm của ông Thắng khiến nhiều người bật cười, nhưng ông bảo "Bán mặt hàng nào cũng giống như người đi câu, hôm thì được con cá sộp, hôm con rô, con diếc nhưng ngoài việc có thêm thu nhập chính đáng, ông thấy vui vì được trò chuyện với mọi người".
Hiện tại, ông Thắng sống trong căn nhà cấp 4 ở Xuân Phương. Ông có hai nồi cơm điện, một nồi cắm cơm, một nồi dùng để nấu canh, đồ ăn. Vì không có nhiều tiền nên thi thoảng ông mới ăn thịt, ông không ăn cá vì tanh và nhiều xương. Họa hoằn lắm, bán được nhiều hàng thì ông cũng "tự thưởng" cho mình bát phở hoặc bát bún miến gì đó...
"Tôi không nhìn thấy gì nhưng mấy chục năm sống trong bóng tối rồi cũng quen nên mọi việc trong nhà tôi đều làm tốt. Hàng ngày tôi vẫn đun nước nóng để rót vào phích, tự pha trà uống đấy!"- ông Thắng khoe, thói quen uống chè ông duy trì từ hồi còn trẻ đến giờ.
Ông Thắng cho hay, sẽ ngồi theo "lịch Tết" đến hết ngày mùng 5, sau đó sẽ trở lại với nhịp sống thường ngày.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn