Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020 là năm khu vực nông nghiệp đối mặt với nhiều thách thức chưa từng thấy. Cùng với đại dịch Covid-19, thiên tai khốc liệt dị thường đã đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Tuy gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng toàn ngành đã nỗ lực vượt khó, sáng tạo, khát vọng vươn lên, quyết liệt hành động với các giải pháp cơ cấu lại ngành, đổi mới mô hình tăng trưởng. Vì vậy, năm 2020 nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá cao, các chỉ tiêu chủ yếu Chính phủ giao đều đạt và vượt kế hoạch.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,65%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,25 tỷ USD; trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; thu nhập của cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại khu vực nông thôn chỉ còn trên 4,2%.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, trong năm 2020, sản lượng lúa đạt 42,8 triệu tấn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 85%, giá gạo xuất khẩu được nâng cao từ 440 USD/tấn năm 2019 lên 496 USD/tấn năm 2020.
Rau, màu tăng cả về diện tích và sản lượng. Diện tích khoảng 1,16 triệu ha, sản lượng đạt 18,2 triệu tấn, tăng 458 nghìn tấn so với năm 2019. Về cây ăn quả, diện tích đạt 1,1 triệu ha, tăng 40 nghìn ha so với năm 2019; sản lượng và chất lượng các loại cây ăn quả có lợi thế của cả nước và từng vùng đều tăng; một số cây ăn quả chủ lực (xoài, thanh long, cam, bưởi,... ) sản lượng tăng từ 4 - 9% so với năm 2019.
Liên quan đến chăn nuôi, có chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi sạch, hữu cơ, an toàn sinh học. Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,37 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2019; sữa tươi đạt trên 1,1triệu tấn, tăng 12,9%; trứng 14,15 tỷ quả, tăng 6,6%. Đồng thời, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi và các dich bệnh khác.
Bên cạnh sản xuất, thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục phát triển, thị trường trong nước được mở rộng hơn; kịp thời giải quyết các vướng mắc, áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để thúc đẩy xuất khẩu trong điều kiện khó khăn do đại dịch Covid-19. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt khoảng 41,2 tỷ USD, duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo); thặng dư thương mại ước đạt 10,3 tỷ USD.
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát triển, tăng cả về số lượng và chất lượng. Hiện đã có 5.506 xã (bằng 62%), 173/664 huyện (bằng 26%) đạt chuẩn nông thôn mới. Đã có 12 tỉnh/thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 3 tỉnh là Đồng Nai, Nam Định, Hưng Yên đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới, 9 tỉnh, thành phố đang hoàn thiện thủ tục để được công nhận. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, phát triển hạ tầng, kinh tế nông thôn. Thu nhập người dân ở nông thôn đã đạt 43 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn chỉ còn 4,2%.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Tuy đạt được nhiều kết quả nhưng ngành nông nghiệp còn những hạn chế, tồn tại cần tập trung khắc phục trong thời gian tới như: Tăng trưởng GDP toàn ngành năm 2020 đạt mức khá cao 2,65% nhưng có lĩnh vực mức tăng không đạt mục tiêu đề ra, như thủy sản chỉ tăng 2,63% (mục tiêu đề ra 5,22%). Đổi mới hợp tác xã và phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến, chưa đạt mục tiêu có 15 nghìn hợp tác xã…
Bộ trưởng Bộ Nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2021, ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 2,7 - 3%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 42% và nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 70%; ít nhất 200 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 91%. Thành lập mới 2.000 HTX nông nghiệp, trong đó trên 16.500 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn