Thu nhập vài chục triệu mỗi tháng từ xưởng may gia công

16:27 | 06/09/2018;
Chị Lê Thị Nguyệt, sinh năm 1988 là hội viên Chi hội phụ nữ thôn Hôn Vàng, xã An Hà, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang được biết đến không chỉ nhiệt tình trong công tác Hội mà còn là một điển hình làm kinh tế giỏi ngay tại quê hương.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, năm 2008, chị Nguyệt xây dựng gia đình với anh Hoàng Văn Thái ở cùng thôn. Với bản tính cần cù, chịu khó, chị luôn trăn trở suy nghĩ về nhu cầu việc làm của chị em, đa phần họ muốn có thêm thu nhập nhưng vẫn có thời gian để chăm lo cho gia đình.
 
Cả 2 vợ chồng chị vốn xuất thân là công nhân của Công ty may tại địa phương nên chị đã bàn với chồng đi tham quan học hỏi các cơ sở may tại Bắc Giang tìm mối hàng và mở xưởng may gia công tại nhà. Sau khi tìm được mối đặt hàng may quần áo thời trang, tháng 9/2016, vợ chồng chị Nguyệt quyết định mở cơ sở may tại nhà để vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa tạo việc làm cho chị em trong xã và các địa bàn lân cận.
 
Với 50 triệu đồng do gia đình tiết kiệm được cộng với sự giúp đỡ của những người thân trong gia đình, anh em họ hàng, chị đã đầu tư mở xưởng may có tổng số vốn khoảng 600 triệu đồng dùng để mua hơn 20 chiếc máy may 2 kim, máy vắt chỉ, máy dập cúc, bàn là hơi, máy vắt sổ...
anh-xuong-may-chi-nguyet.jpg
Toàn cảnh xưởng may của gia đình chị Nguyệt

 

Mặc dù rất nỗ lực, sản phẩm cơ bản đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật nhưng lại chưa đáp ứng được yêu cầu thẩm mỹ của thị trường. Chưa kể những khó khăn ban đầu chồng chất như: Thiếu vốn, thiếu kiến thức, kinh nghiệm...
 
Biết được những khó khăn của chị, Hội LPHN xã đã tuyên truyền, giới thiệu công nhân đến làm tại xưởng may của chị, đồng thời tiếp tục hỗ trợ chị về kiến thức thông qua các lớp tập huấn về khởi nghiệp, các buổi sinh hoạt chi hội... Nhờ vậy mà xưởng may của chị đã dần đi vào ổn định và chị cũng có thêm kiến thức, kinh nghiệm để hướng dẫn công nhân kỹ thuật cách may đạt năng suất cho nhu nhập cao.
 
Công việc của xưởng may là nhận hàng cắt sẵn may cho các shop thời trang có thương hiệu trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm của xưởng may gia đình chị ngày càng có uy tín, đã có rất nhiều cơ sở đến đặt hàng với số lượng lớn. Hiện nay, cơ sở của chị giải quyết việc làm cho 23 thợ làm thường xuyên tại xưởng với mức lương 5-6 triệu đồng/người/tháng. Trừ chi phí, gia đình chị thu nhập bình quân từ 35-40 triệu đồng/tháng.
 
Chị Nguyệt tâm sự: “Nghề may công nghiệp dễ học, dễ làm, để tạo ra một sản phẩm cần phải qua nhiều công đoạn: Ráp đô, túi, se lai, vắt sổ, may cổ, may tay... Vì vậy, mỗi người một công đoạn, đối với những thợ mới thường được giao làm công đoạn dễ hơn, rồi tiếp cận dần các công đoạn khác để thợ đồng đều về tay nghề có thể thay đổi nhau. Tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng người thợ cũng phải khéo tay và tỉ mỉ để tạo ra sản phẩm chất lượng”.
 
Chị Nguyệt cho biết thêm, việc kinh doanh/khởi nghiệp không hề dễ dàng, cũng không phải chỉ thích là có thể làm được, mà đòi hỏi cả một quá trình với nhiều yếu tố như: Tâm huyết, có ý tưởng khởi nghiệp, phương pháp thực hiện, nguồn lực về con người - tài chính. Để kết hợp được các yếu tố này, đòi hỏi mỗi người phải có kiến thức thực tiễn, chuyên môn, kỹ năng. Đặc biệt là sự đam mê, mạnh dạn, ham học hỏi và quyết tâm, nghị lực vượt khó vươn lên.
Ngoài việc tạo điều kiện cho chị em việc làm tại xưởng may, vợ chồng chị Nguyệt coi công nhân như người thân, luôn động viên, giúp đỡ khi họ gặp khó khăn. Với những lao động trẻ, anh chị tận tình hướng dẫn không chỉ trong công việc mà còn góp ý trong lối sống. Một số công nhân khi gặp hoạn nạn, vợ chồng chị giúp họ vượt qua khó khăn. Có nhiều công nhân có con nhỏ, chị tạo điều kiện cho các chị mang con đến xưởng may để vừa làm, vừa trông con vào dịp nghỉ hè khi nhà trường chưa nhận lớp.
 
Điều đáng quý ở gia đình chị là tinh thần phấn đấu xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ. Anh chị luôn hòa thuận, yêu thương nhau, làm gương cho con.
 
Anh chị giáo dục để các con hiểu được ý nghĩa của việc học tập, lao động, từ đó khuyến khích các con tự giác rèn luyện, phấn đấu học tập tốt; đồng thời dạy các con tích cực lao động, giúp ích cho gia đình và xã hội; biết kính trọng lễ phép với mọi người. Gia đình chị hàng năm được công nhận gia đình văn hóa.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn