Thu phí ô tô vào nội đô: Cảnh báo những tác dụng ngược

15:20 | 04/11/2021;
Đề án "thu phí ô tô vào nội đô" nhằm giảm ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường vừa được Sở Giao thông vận tải Hà Nội công bố đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng việc đề xuất thu phí trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh là chưa phù hợp.
Sở GTVT Hà Nội nói gì về giải pháp thu phí giảm ùn tắc?

Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông" (gọi tắt là "phí giảm ùn tắc giao thông") được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP. Hà Nội nghiên cứu, đề xuất để báo cáo UBND thành phố Hà Nội. Nếu được UBND Hà Nội chấp thuận thì sẽ trình HĐND TP. Hà Nội xem xét thông qua.

Theo lý giải của Sở GTVT Hà Nội, phí giảm ùn tắc giao thông là một loại phí mà người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (ô tô) phải trả khi đi vào khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông. Mục đích của việc ban hành phí này là nhằm giảm lưu lượng xe ô tô đi vào nội đô góp phần giảm ùn tắc giao thông. Đây là một biện pháp kinh tế của cơ quan quản lý nhằm điều chỉnh hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông xe cơ giới đường bộ khi không cần thiết đi vào vùng thu phí, đồng thời khuyến khích việc sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng.

Cũng theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, đây là loại phí không trùng với danh mục các loại phí và lệ phí được xác định trong Luật phí và lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25/11/2015 cũng như các loại phí, lệ phí liên quan đến phương tiện đường bộ và sử dụng đường bộ theo các nghị định của Chính phủ, các thông tư của Bộ Tài chính quy định.

Thu phí ô tô vào nội đô: Cảnh báo những tác dụng ngược - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến cho rằng việc đề xuất thu phí trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh là chưa phù hợp.

Theo Đề án này, mức thu phí được xác định từ 50.000-100.000 đồng/lượt, đảm bảo bù đắp chi phí đầu tư và chi phí vận hành bảo trì hệ thống thu phí. Mức thu phí phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội và phù hợp với khả năng đóng góp của người tham gia giao thông.

Theo đơn vị tư vấn, sẽ lập 87 trạm thu phí xe ô tô vào nội đô Hà Nội. Hoạt động thu phí từ 5h đến 21h hằng ngày. Dự kiến phạm vi thu phí giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 - Cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Đường Hoàng Sa - Đường Trường Sa - Đường Lý Sơn - Đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3.

Theo đại diện Sở GTVT, hiện kết cấu hạ tầng giao thông vận tải chưa đồng bộ theo quy hoạch; các tuyến Vành đai 1-2-3 chưa hoàn chỉnh. Các tuyến đường sắt đô thị đều chậm tiến độ. Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp nhất là vào giờ cao điểm và các dịp lễ, Tết tập trung đông người. Do đó, giải pháp thu phí là hết sức cần thiết.

Việc thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội liệu có thực sự giảm ùn tắc hay không? Sở GTVT lấy dẫn chứng một số nước thu phí ô tô nhưng thực tế không phải nước nào họ cũng thực hiện thành công. Không phải cứ nước ngoài làm được là đưa về áp dụng mà còn phải đánh giá xem có phù hợp với văn hoá, sự phát triển của TP. Hà Nội hay không?”.

TS. Nguyễn Hữu Đức

Để lập 87 trạm thu phí trên, đơn vị tư vấn xác định được 68 vị trí và thực hiện thu phí; phân làm ba giai đoạn. Người dân nếu không muốn nộp phí, có thể đi đường tránh hoặc dùng phương tiện vận tải công cộng.

Theo lộ trình, Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội dự kiến HĐND TP thông qua Đề án: "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông" tại kỳ họp cuối năm 2021 về loại phí và khung phí.

Từ năm 2022-2023, Sở sẽ hoàn thiện các điều kiện thu phí, xây dựng dự án đầu tư trạm thu phí, phương án tài chính, quản lý chi phí, xác định cụ thể mức thu phí và các chính sách miễn giảm cụ thể cho các đối tượng thu phí.

Năm 2024, Sở Giao thông Vận tải TP. Hà Nội sẽ trình HĐND TP ban hành mức thu phí cụ thể và các chính sách miễn giảm phí theo dự án đầu tư được duyệt và tổ chức thực hiện sau khi HĐND TP quyết định trong năm 2024.

Liệu có nóng vội?

Việc lập đề án thu phí này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân Thủ đô và dư luận cả nước. Việc dư luận xôn xao, quan tâm cũng dễ hiểu bởi đây là thời điểm nhạy cảm, khi cả nước vừa trải qua những đợt dịch Covid – 19, đời sống người dân đang gặp nhiều khó khăn, lại nghe đến việc thu phí vào nội đô trong khi giá xăng lại vừa tăng kỷ lục.

Trong bối cảnh đó, với mức phí như đề xuất, nếu đi lại hàng ngày ra vào đường vành đai 3 thì mỗi tháng mỗi chiếc xe sẽ phải gánh thêm một khoản tiền kha khá. Việc thu thêm khoản phí vào nội đô sẽ thêm gánh nặng cho người dân, trong khi hạ tầng giao thông và phương tiện công cộng chưa đáp ứng tốt nhu cầu đi lại. Dù đề án đang được hoàn thiện, song không ít ý kiến chuyên gia giao thông vận tải cho rằng, nếu nóng vội thực hiện, dễ gây tác dụng ngược. Đặc biệt đề án chưa đủ cơ sở để khẳng định sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông nội đô.

Chuyên gia Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, lo ngại rằng, nếu đặt trạm thu phí ở một số đường lớn thì rất dễ khiến người tham gia giao thông "né chốt" để đi vào các đường nhỏ. Như vậy thì mục tiêu thu phí để giảm tắc đường lại bị tác dụng ngược.

"Chúng ta thu phí ở các vành đai, thì có thể người dân sẽ mua nhà trong vành đai để đi lại cho đỡ mất tiền. Như vậy, chúng ta đang muốn giảm mật độ dân cư sống trong trung tâm thành phố thì giờ không khéo lại kéo người ta ngược trở lại", ông Khương Kim Tạo nói.

Thu phí ô tô vào nội đô: Cảnh báo những tác dụng ngược - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Theo chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức, khi đưa đề án này vào thực hiện cần phải xem xét đánh giá nhiều yếu tố như: Tác động tới an sinh xã hội; tác động kinh tế thu hút đầu tư; tác động tới giao thông; tác động tới kỹ thuật hạ tầng ranh giới thu phí; công nghệ thu phí...

TS. Đức cho rằng, việc thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội tác động tới toàn thể xã hội chứ không riêng gì các phương tiện của Hà Nội. Vì Hà Nội là thủ đô của đất nước, lượng phương tiện hàng ngày từ các địa phương tới Hà Nội cũng rất lớn. Trong khi đó, hệ thống phương tiện công cộng còn nhiều hạn chế.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết: "Chúng ta thực hiện thu phí thì những người có điều kiện họ sẽ vẫn sử dụng ô tô để vào nội đô. Sẽ có một số người chuyển sang sử dụng xe máy và như thế sẽ tác động tới chủ trương lâu nay của TP là giảm phương tiện cá nhân trong nội đô".

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, với các đô thị lớn, hạ tầng không đáp ứng yêu cầu, giao thông bị quá tải thì đề xuất thu phí ô tô vào nội thành là hợp lý nhưng điều quan trọng là triển khai trong bối cảnh nào. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề, doanh nghiệp, người dân đang chịu chi phí rất lớn nên phải cân nhắc trong ngắn hạn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn