Luyện tập để có một thân hình đẹp không đơn thuần là hoạt động thiên về thể chất, nó thể hiện cả phong cách sống của người trẻ hiện đại.
Khi người người nhà nhà đổ xô đi tập, như 1 điều tất yếu, bạn dễ dàng tìm được hàng triệu video về luyện tập thể hình trên trên nhiều nền tảng MXH, đặc biệt là TikTok.
Hàng loạt các thử thách về thể chất, thể hình được phát động trên TikTok như tập luyện tại nhà trong 30s, "vòng tay chạm rốn" khoe eo chuẩn cũng quay trở lại, "điệu nhảy siêu cuốn",... Các hashtag ăn theo cũng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.
Điều này nghe có vẻ tích cực vì mọi người quan tâm đến cơ thể của mình hơn, song thực tế lại hoàn toàn khác. Các thử thách tập luyện này khiến người trẻ áp lực theo đuổi vẻ đẹp chuẩn theo những KOL mà TikTok định nghĩa. Để đạt được điều đó, nhiều bạn trẻ không ngại sử dụng các phương pháp ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như luôn mang nỗi lo về cách nhìn của người khác với vẻ ngoài của mình.
Khi ấn vào hashtag #thatgirl (cô gái đó) trên TikTok, bạn sẽ xem được vô số video có nội dung tương tự nhau về hoạt động trong 1 ngày của bạn nữ nào đó. Mở đầu video là cô gái ngay sau khi thức dậy đã ngồi thiền trên thấm thảm Yoga trong căn phòng tràn ngập ánh nắng và vô cùng xinh đẹp. Vào cuối ngày, cô bạn đã sẽ uống 1 cốc sinh tố tốt cho sức khoẻ, bánh mì nướng bơ nhìn thôi cũng thấy ngon xỉu.
Trạng thái "cô gái đó" chính là nguyên mẫu mơ hồ về lối sống lý tưởng truyền động lực cho nhiều người trẻ tập luyện và ăn uống lành mạnh hơn. Những video #thatgirl đến nay đã có gần 6 tỷ lượt xem, trở nên phổ biến trên TikTok kể từ tháng 4 năm 2021.
Tất cả họ dường như đều có 1 thân hình đẹp đúng chuẩn, ở trong 1 căn phòng tối giản, hàng ngày đều "khoe" vẻ đẹp của mình. Mặc dù cuộc sống này có thể được coi là lý tưởng và hào nhoáng về mặt thẩm mỹ, nhưng nó cũng đang có thể góp phần tạo nên xu hướng độc hại trên TikTok.
Hầu hết những "cô gái đó" đều có thân hình chuẩn, nhiều người trẻ chia sẻ rằng điều đó khiến họ cảm thấy chỉ những người có vóc dáng như vậy mới có được cuộc sống trong mơ và nên tập luyện để có được điều đó.
Katie, hiện đang là sinh viên, chia sẻ rằng TikTok đã ảnh hưởng rất nhiều đến cách cô nhìn nhận về cơ thể của mình."Khi biết trào lưu "cô gái đó" (that girl) hay "eo nhỏ" của TikTok, tôi tự hỏi tại sao mình không thể có được bụng phẳng lì, săn chắc hay vòng eo đồng hồ cát nhỏ xíu dù đã tập thể dục và ăn uống lành mạnh? Gần đây, tôi cảm thấy tồi tệ về ngoại hình của mình, dù hoàn toàn hiểu rằng bản thân đang có một cơ thể khỏe mạnh và tôi nên biết ơn vì điều đó".
Điều này dẫn cô bạn đến một câu hỏi khác, về ranh giới giữa phù hợp và tin tưởng 1 cách điên cuồng vào những điều khó có thể xác định được phù hợp hay không. Katie nói thêm, "Tôi đã xem các video hướng dẫn giảm cân hoàn toàn không có ý nghĩa về mặt cải thiện sức khoẻ mà chỉ đơn giản để đẹp hơn. Tôi biết những KOL/ TikToker đó đang dùng các phương pháp không hợp lý để đạt được mục tiêu của họ. Nhưng ngay cả khi biết rằng nó có thể không tốt cho sức khỏe, tôi không thể không tự hỏi bản thân rằng liệu chỉ cần tập luyện nhiều hơn một chút hoặc nhịn ăn để có được hình thể đẹp đúng tiêu chuẩn hay không?"
Tiến sĩ Marika Tiggemann, một giáo sư tâm lý học tại Đại học Flinders của Úc, chia sẻ rằng chỉ cần nhìn thoáng những video về những người có thân hình đẹp chuẩn xã hội trên TikTok cũng có tác động tiêu cực ngay lập tức đến lòng tự trọng. Hình ảnh của những người gầy hoặc cân đối có thể khiến người xem cảm thấy áp lực, tự ti và so sánh bản thân với những người khác.
Bên cạnh đó, Joe Phua, một chuyên gia truyền thông xã hội và là giáo sư tại Đại học Georgia, giải thích: "Có một số người dễ bị ảnh hưởng bởi những người khác. Họ cảm thấy cần phải tuân theo những tiêu chuẩn trong các video để được yêu thích hoặc cảm thấy hài lòng về bản thân".
Đây không phải là những xu hướng chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến phái nữ, phái nam cũng không nằm ngoài thực tế này. Bởi vì nỗi ám ảnh về 1 cơ thể "đẹp đúng chuẩn" như trên TikTok, Edwin đã hoàn toàn mất đi các kỹ năng xã hội của mình. Anh bạn thường xuyên bỏ lỡ các bữa tiệc sinh nhật và tránh giao lưu với bạn bè vì lo sợ buổi tập ngày hôm sau và điều đó có thể làm chậm tiến độ phát triển cơ bắp. "Có rất nhiều kỷ niệm mà tôi đã bỏ lỡ bởi vì tôi đã ở phòng gym. Về cơ bản, tôi không rời khỏi nhà ngoài việc mua sắm, làm việc và tập thể dục.", Edwin chia sẻ.
KOL/ TikToker trên TikTok thường xuyên chia sẻ kiểu video ngắn "những gì tôi ăn/ tập luyện trong một ngày" và mặc dù ý định của họ có thể không ác ý, nhưng hầu hết mọi người đều đưa ra những so sánh và niềm vui bị "trộm đi". Bạn bắt đầu tự hỏi về việc bạn nên ăn bao nhiêu. Bạn có đang tiêu thụ quá mức không? Bạn có đang ăn quá nhiều đường không? Bạn có nên ăn sau 8 giờ tối không? Chiếc bánh ngọt này có xứng đáng không khi, giống như họ nói, "mùa hè đã đến gần, phải giảm cân thôi".
"Mặc dù tôi thừa nhận rằng tôi đã nhận được lợi ích từ một số thông tin tập luyện được chuyên gia dạy trên TikTok, nhưng việc duy trì các tiêu chuẩn vẻ đẹp phi thực tế đã gây bất lợi cho tôi", Aya thổ lộ.
Khi nhiều người đăng loại nội dung này, nó có thể trở thành một quy ước. Những quy tắc xã hội đó có thể tạo ra những kỳ vọng không thực tế và có khả năng khiến mọi người suy nghĩ nếu việc tập luyện của họ không tuân theo những chuẩn mực đó, nó sai hoàn toàn. Nó chỉ ra ranh giới tốt đẹp giữa nội dung mong muốn và thực tế của khi luyện tập. TikTok là điểm nhấn trong cuộc sống của một ai đó, nên việc đăng nội dung này lên mạng và đề cao nó như một nét thẩm mỹ sẽ gây ảnh hưởng tới hàng trăm hoặc hàng nghìn người theo dõi.
Nghịch lý thay, không khó để xem được các video trên TikTok, KOL về thể hình cũng kêu gọi những người theo dõi họ đừng bao giờ so sánh mình với những người mà họ thấy trên MXH. Một số người có ảnh hưởng "tích cực đến cơ thể" cho rằng việc thể hiện sự không hoàn hảo của họ sẽ loại bỏ những tiêu chuẩn gây tổn hại, không thể đạt được về cơ thể và nâng cao sự tự tin của người xem.
"Tuy nhiên, KOL vẫn tiếp tục đăng những hình ảnh vóc dáng đẹp chuẩn của họ, vẫn thực thi tiêu chuẩn vẻ đẹp không tưởng này trên TikTok. Những KOL này có thể tranh luận rằng nếu những người có cơ thể "không hoàn hảo" được phép khoe mình trên mạng xã hội thì tại sao họ lại không thể? Một số người thậm chí còn khẳng định rằng những bất an và các vấn đề về hình ảnh cơ thể mà người xem gặp phải không phải là vấn đề của họ và họ vẫn nên được phép chia sẻ cơ thể của mình. Ý kiến của riêng tôi, là những người có ảnh hưởng này thực sự tạo ra một môi trường độc hại trên TikTok", Augustine chia sẻ.
Cũng có nhiều người cho rằng không có gì sai khi muốn cải thiện bản thân. Đôi khi những video này có thể khơi dậy động lực để ra ngoài đi dạo, nấu một bữa ăn lành mạnh hay tập luyện thể dục nâng cao sức khoẻ cải thiện vóc dáng. Đó là khi việc tạo ra hoặc "tiêu thụ" những xu hướng này giúp ta trở nên tốt hơn. Đây là cách một số KOL truyền cảm hứng tích cực trên TikTok và không việc gì phải loại bỏ nó. Hiển nhiên, chẳng có gì sai khi cố gắng đưa đến những năng lượng tích cực đến người xem.
Song, 1 chuyên gia về tâm lý hành vi người dùng MXH đã chỉ ra rằng ngay trong dịch bệnh, tập luyện theo các video TikTok trở nên bùng nổ. Ai ai xung quanh ta cũng nói về việc nên dành thời gian cuộc sống chậm rãi này để cải thiện bản thân đặc biệt về ngoài hình. Nghe thì có vẻ tích cực nhưng ở 1 giai đoạn mọi thứ đều bất ổn, ngay cả việc khỏe mạnh về tâm trí lẫn thể chất còn khó, việc liên tục "khoe" mình đã học được hay giảm bao nhiêu cân trở thành thông điệp tiêu cực.
Bên cạnh đó, điều đáng lo ngại trên TikTok, nơi có thể tìm thấy hầu hết các bài tập luyện, cũng chính là nơi quảng bá cho 1 kiểu hoàn mỹ nhất định. Việc quá chú trọng vào bất kỳ khía cạnh nào trong cuộc sống hoặc ngoại hình của bạn thường chỉ ra rằng bạn đang quá coi trọng sự hoàn hảo, là một loạt dấu hiệu của văn hóa "tối ưu hóa" bản thân vô cùng độc hại.
Liệu những video về tập thể dục hay chế độ dinh dưỡng trên TikTok là tốt hay xấu vẫn là câu hỏi lớn khó tìm được lời giải đáp.
Theo: The New York Times, Vox, The Guardian, Insider,...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn