Vừa qua, thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, tính đến tháng 2/2023, có 258 sàn thương mại điện tử (TMĐT) cung cấp thông tin trên Cổng thông tin TMĐT về 14.883 tổ chức và 53.212 cá nhân đăng ký bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT.
Tổng cục Thuế khẳng định cũng đã nắm thông tin của các cá nhân và tổ chức bán hàng online trên Shopee, Lazada, Sendo... và sẽ rà soát, đưa vào diện quản lý hoặc truy thu thuế. Thông tin này khiến nhiều người bán hàng online lo lắng về việc nộp thuế và truy thu thuế.
Theo quy định hiện nay, hộ kinh doanh nói chung, người bán hàng online nói riêng có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì được miễn thuế nhưng nếu doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên thì sẽ phải nộp thuế trên toàn bộ doanh thu với mức 1,5% (gồm thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng), không được trừ chi phí hay giảm trừ gia cảnh.
Chị Trang Đỗ, một người bán hàng online, cho biết, chị chuyên bán túi xách, giày dép, đồng hồ… mua từ nước ngoài qua Facebook và một số sàn TMĐT. Cá nhân chị ủng hộ việc người bán hàng online phải có nghĩa vụ nộp thuế. Tuy nhiên, chị cho rằng, với quy định nộp thuế hiện tại là chưa phù hợp.
"Tôi thấy người lao động khi đi làm được giảm trừ gia cảnh, cụ thể: Bản thân được giảm trừ 11 triệu đồng/tháng, ngoài ra giảm trừ 4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc. Còn chúng tôi kinh doanh online lại không được giảm trừ gia cảnh, nộp thuế trên toàn bộ doanh thu. Điều này là không hợp lý, cơ quan chức năng cần cân nhắc lại", chị Trang Đỗ chia sẻ.
Nói về việc kinh doanh của mình, chị Trang cho rằng, kinh doanh online là một xu thế tất yếu của cuộc sống khi người dân đẩy mạnh mua sắm online. Bản thân người bán hàng online cũng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Với mặt hàng chị đang kinh doanh, giá của những món hàng này khá cao nhưng lợi nhuận trên mỗi sản phẩm lại không nhiều. Chưa kể, chị còn gặp phải nhiều rủi ro như hàng bị móp do vận chuyển…
Chị Thuý Hằng (ở quận Ba Đình, Hà Nội), một người kinh doanh thực phẩm online, cho rằng, cơ quan thuế chỉ đặt ra một mức thuế chung và tính chung cho 1 hộ/cá nhân kinh doanh online. Có hộ kinh doanh có 1-2 người làm nhưng cũng có hộ 5-7 người, như nhà chị có 4 người làm, mà vẫn tính chung ngưỡng 100 triệu đồng/năm là chưa hợp lý.
Chị Minh Nguyệt (ở Mỹ Đình, Hà Nội) vừa mới đăng ký thuế với chi cục thuế địa phương sau hơn 2 năm kinh doanh online. Hiện chị bán quần áo thời trang qua Facebook, Zalo và qua sàn TMĐT, doanh thu mỗi tháng khoảng 15 triệu đồng.
Điều mà chị Nguyệt thấy chưa hợp lý, đó là quy định doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên thì người bán hàng sẽ phải nộp thuế trong khi không cần biết việc kinh doanh của họ lỗ hay lãi thế nào.
"Thực tế, doanh thu trong hai năm qua tăng chủ yếu do giá cả sản phẩm tăng lên. Điều này đồng nghĩa với việc tiền thuế phải nộp tăng theo. Trong khi đó, lợi nhuận thu được ít, thậm chí nhiều lúc tôi phải cắt lỗ để đẩy hàng đi nhưng vẫn phải nộp thuế. Để đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế, tôi mong rằng, mức doanh thu năm thuộc diện phải nộp thuế cần tăng ít nhất hai lần so với mức hiện nay", chị Nguyệt kiến nghị.
Đồng tình với kiến nghị trên, luật sư Phạm Minh Ngọc (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, ngưỡng 100 triệu đồng/năm đã áp dụng hơn 8 năm qua và so với mặt bằng giá cả hiện nay là quá thấp. Tiếp đó, cơ quan thuế chỉ đặt ra ngưỡng 100 triệu đồng/năm để tính chung cho 1 hộ/cá nhân kinh doanh trong khi có hộ thì 1-2 người nhưng cũng có hộ 5-7 người thì chưa hợp lý. Bộ Tài chính cần kiến nghị sửa điều này.
Song song với kiến nghị sửa điểm bất hợp lý trong chính sách thuế với hoạt động thương mại điện tử, các chuyên gia cũng khuyến cáo người kinh doanh online nên tự giác kê khai và nộp thuế vì nhiều người nghĩ không mở mặt bằng nên không phải đóng thuế.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn