Với chủ đề “Nâng cao năng lực, phẩm chất, giữ vững kỷ cương và trách nhiệm nêu gương; phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; đưa ngành thông tin và truyền thông phát triển bứt phá, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia," Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 33 người. Ban Chấp hành Đảng bộ đã họp phiên thứ nhất bầu Ban Thường vụ gồm 11 người.
Ông Phạm Anh Tuấn, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2020-2025.
Đại hội cũng đã bầu 5 đại biểu chính thức dự Đại hội Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương và 1 đại biểu dự khuyết.
Phát biểu tại Đại hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Huỳnh Tấn Việt đánh giá nhiệm kỳ 2015-2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn và đa dạng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có những việc mới và khó như: tham mưu xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật An toàn thông tin mạng, Luật Báo chí và xây dựng nhiều thông tư, văn bản hướng dẫn quan trọng khác..., từ đó, tạo hành lang pháp lý quan trọng, nền tảng thúc đẩy ngành thông tin và truyền thông ngày càng phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.
Những kết quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ Thông tin và Truyền thông 5 năm qua đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra.
Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Huỳnh Tấn Việt nêu rõ Bộ Thông tin và Truyền thông có vai trò, vị trí rất quan trọng trong hệ thống các cơ quan của Chính phủ, là bộ đa ngành, đa lĩnh vực, có tầm hoạt động và ảnh hưởng lớn không chỉ trong nội bộ cơ quan Bộ Thông tin và Truyền thông mà cả trong nước và quốc tế.
Trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với Ban Cán sự Đảng cần phối hợp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực công tác, đổi mới tư duy và phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả, nhạy bén trong tham mưu hoạch định, chính sách và tổ chức thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực thuộc phạm vi của bộ theo quy định.
Đảng ủy Bộ Thông tin và Truyền Thông cần tập trung tăng cường xây dựng Đảng bộ thực sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng và đạo đức; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ động, kịp thời đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch và coi công tác tư tưởng của Đảng bộ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Đảng ủy cần tiếp tục xây dựng Đảng bộ đoàn kết, thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, phấn đấu để Đảng bộ Bộ Thông tin và Truyền thông thực sự là trung tâm đoàn kết, hạt nhân chính trị và chỗ dựa vững chắc của toàn bộ các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đề cập các chương trình trọng tâm của ngành, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh đến việc chuyển đổi bưu chính từ chuyển phát thư báo thành hạ tầng của dòng chảy vật chất của nền kinh tế số; chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng của nền kinh tế số; triển khai mạng 5G, mỗi người một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường internet cáp quang và phát triển các nền tảng chuyển đổi số các ngành trên cơ sở các công nghệ mới.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ việc xây dựng Việt Nam thành cường quốc an ninh mạng với trọng tâm là làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an ninh mạng Việt Nam, đảm bảo chủ quyền không gian mạng, đảm bảo không gian mạng của Việt Nam sạch và lành mạnh.
Ngành thông tin và truyền thông cần đóng vai trò quan trọng trong công cuộc chuyển đổi Chính phủ điện tử thành Chính phủ số; chuyển đổi từ gia công lắp ráp thành phát triển sản phẩm với trọng tâm là chương trình nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G, Internet kết nối vạn vật (IoT), các nền tảng phục vụ chuyển đổi số quốc gia “Make in Vietnam” (sản xuất tại Việt Nam), chuyển đổi từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số, dẫn dắt và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Đồng thời, ngành thông tin và truyền thông cần tập trung phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, từ 50.000 doanh nghiệp sẽ thành 100.000 doanh nghiệp với đủ cả doanh nghiệp làm chủ công nghệ cốt lõi, doanh nghiệp phát triển sản phẩm, doanh nghiệp triển khai và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Trong lĩnh vực báo chí truyền thông, ngành phải bảo vệ được chủ quyền quốc gia về thông tin, phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, nhiệm kỳ 5 năm tới, Đảng bộ và Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung vào các chương trình trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo, bàn mọi giải pháp nhằm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ.
Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề cập, gợi mở các vấn đề công tác Đảng để các đại biểu thảo luận, cụ thể là về công tác đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới công tác cán bộ, đổi mới cách sinh hoạt Đảng…Đảng bộ Bộ Thông tin và Truyền thông có 10 đảng bộ cơ sở, 15 chi bộ cơ sở, 11 chi bộ trực thuộc với gần 1.600 đảng viên. Bộ Thông tin và Truyền thông có 35 cơ quan và đơn vị, với gần 3.000 công chức, viên chức.
Gần 50.000 đơn vị và doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông với hơn 1 triệu lao động, doanh thu hàng năm lên tới hơn 100 tỷ USD.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn