Thủ tục nhận con nuôi đích danh có yếu tố nước ngoài

10:27 | 23/04/2019;
Em lấy chồng nước ngoài và sinh sống ở quê chồng. Hiện vợ chồng em đang về Việt Nam thăm thân và muốn nhận con chị gái em năm nay 11 tuổi làm con nuôi. Vậy xin Báo PNVN cho biết, thủ tục nhận nuôi con nuôi trường hợp như của em được quy định thế nào?
a1.jpg
Ảnh minh họa

Đặng Thị Hoài Thu (Cần Thơ)

Trả lời: Theo quy định tại Điều 8, Luật Nuôi con nuôi thì người được nhận làm con nuôi phải đáp ứng các điều kiện sau:

1. Trẻ em dưới 16 tuổi

2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi; b) Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi…

Điều 28 Luật này quy định các trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài như sau:

1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước cùng là thành viên của điều ước quốc tế về nuôi con nuôi với Việt Nam nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.

2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài được nhận con nuôi đích danh trong các trường hợp sau đây:

a) Là cha dượng, mẹ kế của người được nhận làm con nuôi;

b) Là cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi;

Hồ sơ của người nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài được quy định như sau:

1. Hồ sơ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận người Việt Nam làm con nuôi phải có các giấy tờ, tài liệu sau đây: a) Đơn xin nhận con nuôi; b) Bản sao Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế; c) Văn bản cho phép được nhận con nuôi ở Việt Nam; d) Bản điều tra về tâm lý, gia đình; đ) Văn bản xác nhận tình trạng sức khỏe; e) Văn bản xác nhận thu nhập và tài sản; g) Phiếu lý lịch tư pháp; h) Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân; i) Tài liệu chứng minh thuộc trường hợp được xin đích danh quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật này.

2. Các giấy tờ, tài liệu quy định tại điểm b, c, d, đ, e, g và h khoản 1 Điều này do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người nhận con nuôi thường trú lập, cấp hoặc xác nhận.

3. Hồ sơ của người nhận con nuôi được lập thành 02 bộ và nộp cho Bộ Tư pháp thông qua cơ quan trung ương về nuôi con nuôi của nước nơi người nhận con nuôi thường trú; trường hợp nhận con nuôi đích danh quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật này thì người nhận con nuôi có thể trực tiếp nộp hồ sơ cho Bộ Tư pháp.

Đối với hồ sơ của người được nhận làm con nuôi, cần có các giấy tờ sau:

a) Giấy khai sinh của trẻ em;

b) Giấy khám sức khoẻ do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;

c) 02 ảnh toàn thân, nhìn thẳng, chụp không quá 06 tháng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn