Anh tham gia đánh Syria với 8 tên lửa Storm Shadow được phóng từ 4 máy bay chiến đấu RAF Tornados xuống một địa điểm từng là căn cứ tên lửa của Syria cách tỉnh Homs gần 20km ngày 14/4. Anh cho đây là nơi chính phủ Syria tàng trữ vật liệu dùng sản xuất vũ khí hóa học. Thủ tướng Theresa May lý giải về quyết định để Anh tham gia tấn công Syria cùng Mỹ và Pháp là nhằm làm suy yếu khả năng vũ khí hóa học của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Bà May khẳng định các cuộc không kích đã nhằm vào "những mục tiêu cụ thể và có sự chọn lọc", tránh các khu vực có dân cư sinh sống. Nữ Thủ tướng Anh đồng thời nhấn mạnh quyết định tấn công Syria là vì lợi ích quốc gia của Anh và vì London "không cho phép việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria, trên đường phố nước Anh hay bất cứ nơi đâu trên thế giới".
Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Theresa May đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ chính trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền sau khi nước này cùng Mỹ và Pháp tiến hành cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria mà không tham vấn với Quốc hội. Còn Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn cho rằng chỉ ủng hộ can thiệp vào Syria một khi Liên hợp quốc cho phép. Thậm chí ông Corbyn còn kêu gọi chỉnh sửa luật liên quan đến việc can thiệp quân sự ở nước ngoài trong tương lai. Ông nhấn mạnh bom đạn không cứu được con người hay mang lại hòa bình và Anh nên đóng một vai trò dẫn đầu trong việc thúc đẩy một lệnh ngừng bắn trong cuộc xung đột tại Syria, thay vì đặt quân đội Anh vào thế nguy hiểm.
Còn Thủ hiến vùng Scotland Nicola Sturgeon cho rằng chính sách đối ngoại của Anh cần có sự thông qua của Quốc hội chứ không phải do Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định. Theo bà Sturgeon, Thủ tướng May đã không đưa ra được câu trả lời liệu quyết định tấn công Syria có đem lại hòa bình lâu dài cho Syria hay không. Bà đồng thời chỉ trích hành động mới nhất của Anh và các đồng minh có nguy cơ đẩy căng thẳng leo thang ở Syria lên mức nguy hiểm.
Dù nhận được sự ủng hộ của các đồng minh sau quyết định tiến hành không kích Syria, vị thế của bà May đang chao đảo, nhất là khi đảng Bảo thủ của bà đả mất thế đa số trong cuộc bầu cử hồi tháng 6/2017. Giờ đây, bà May chỉ còn biết trông đợi vào sự ủng hộ của một nhóm nhỏ các nghị sĩ Bắc Ireland, những người muốn Anh tiến hành tấn công quân sự vào Syria. Trước đó, người tiền nhiệm của bà, ông David Cameron đã thất bại trong việc vận động Quốc hội bỏ phiếu ủng hộ việc Anh không kích Syra hồi năm 2013. Tại thời điểm đó, rất nhiều người dân Anh bày tỏ lo ngại về khả năng Anh sẽ bước vào một cuộc xung đột mới đặc biệt là sau khi có thông tin rằng, hồi năm 2003, quyết định cùng Mỹ tham gia vào cuộc chiến tại Iraq của Thủ tướng Anh Tony Blair xuất phát từ thông tin tình báo sai lệch.
Chiến dịch tấn công Syria đã vấp phải sự hoài nghi về tính hợp pháp do thiếu bằng chứng có thể chứng minh rằng Chính phủ Syria đứng sau vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học, đồng thời bị một số quốc gia, trong đó có Nga và Iran chỉ trích mạnh mẽ. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng bày tỏ quan ngại về hành động quân sự nói trên của Mỹ, Anh, Pháp và kêu gọi tuân thủ Hiến chương LHQ cũng như luật pháp quốc tế về vấn đề này.