Thủ tướng: Bắc Ninh phải khai phá tiềm năng, khẳng định chính mình, kiên định mục tiêu, kiến tạo thịnh vượng

20:26 | 22/09/2024;
Quyết định 1589/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh với các mục tiêu dài hạn, có tầm nhìn chiến lược, mang khát vọng và niềm tin về một Bắc Ninh phát triển hiện đại, thịnh vượng, bền vững, giàu bản sắc Bắc Ninh - Kinh Bắc trong tương lai.

Chiều nay (22/9), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Ninh năm 2024 với chủ đề "Bắc Ninh - Kinh Bắc, Khởi sắc đầu tư". Đây là căn cứ pháp lý quan trọng, là "kim chỉ Nam", là "đòn bẩy", tạo động lực để tỉnh Bắc Ninh vững bước trong giai đoạn phát triển mới.

Cùng dự có: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ Trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo tỉnh, thành phố; đại diện Đại sứ quán, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế. 

Thủ tướng: Bắc Ninh phải khai phá tiềm năng, khẳng định chính mình, kiên định mục tiêu, kiến tạo thịnh vượng- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã trao Quyết định 1589/QĐ-TTg ngày 08/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050.

Trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Bắc Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đào Quang Khải trao Quyết định quy hoạch phân khu cho 5 huyện, thị xã, thành phố (Yên Phong, Tiên Du, thị xã Quế Võ, thành phố Bắc Ninh và Từ Sơn). Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh trao Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Biên bản ghi nhớ, Thỏa thuận nguyên tắc cho các dự án đầu tư có quy mô lớn trên địa bàn.

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, để Quy hoạch tỉnh thành hiện thực, các cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tập trung thực hiện tốt 03 nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, công khai các nội dung cốt lõi, cơ bản của Quy hoạch sâu rộng tới cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, tạo sự đồng thuận, thực hiện tốt các nội dung quy hoạch đề ra. Đồng thời, chủ động phối hợp với các Bộ ngành Trung ương, xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, lĩnh vực; phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc xác định các nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của đơn vị, để tập trung chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện với các mục tiêu, nhiệm vụ, sản phẩm cụ thể, gắn thời gian hoàn thành, làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Hai là, huy động tối đa các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, nguồn lực xã hội hóa. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống khung quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch chuyên ngành; Chú trọng đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển các khu đô thị, thương mại, dịch vụ, trung tâm thương mại cấp vùng; cảng cạn (ICD), Logistics có quy mô lớn; phát triển hạ tầng giao thông (đường sắt đô thị, giao thông ngầm; giao thông kết nối nội vùng, liên vùng), khu công nghiệp (theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tuần hoàn, bền vững); nâng cao các tiện ích đô thị; tạo sự kết nối trong tỉnh, đẩy mạnh liên kết vùng với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng.

Ba là, tiếp tục đổi mới trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, hành động quyết liệt của toàn Đảng bộ. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, tiến tới thực hiện theo mô hình chính quyền đô thị, phấn đấu đạt các tiêu chí của đô thị loại I, đơn vị hành chính loại I vào năm 2027 (nhân kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh) và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.

Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh, thu hút vốn đầu tư nước ngoài của tỉnh tiếp tục ghi dấu ấn khi 8 tháng qua đạt trên 3,2 tỷ USD, đứng đầu cả nước. Riêng tháng 8 đã cấp mới đăng ký đầu tư cho 51 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 52,395 triệu USD; điều chỉnh vốn cho 26 dự án với số vốn điều chỉnh tăng 71,958 triệu USD; cấp 2 lượt thông báo chấp thuận góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế với giá trị là 10,316 triệu USD.

Lũy kế đến nay, Bắc Ninh đã cấp đăng ký đầu tư cho 2.413 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần, phần vốn góp đạt 28.219,455 triệu USD.

Năm 2024, Bắc Ninh đặt mục tiêu thu hút khoảng 7 tỷ USD vốn FDI. Để đạt được mục tiêu này, địa phương đã và đang nỗ lực, quyết tâm cao triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung vào cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư…

Thủ tướng: Bắc Ninh phải khai phá tiềm năng, khẳng định chính mình, kiên định mục tiêu, kiến tạo thịnh vượng- Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đào Quang Khải trao Quyết định quy hoạch phân khu cho các địa phương

Dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo cơ quan Trung ương, tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương thực hiện nghi thức khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh - Hải Dương, và dự án Khu nhà ở xã hội thuộc dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Quế Võ.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sáng cùng ngày, Thủ tướng đã thăm một số hộ dân ở khu nhà ở xã hội Thống Nhất, thành phố Bắc Ninh; vui mừng vì khu nhà được xây dựng hiện đại, các căn hộ được thiết kế hợp lý, giá cả phải chăng; đặc biệt chứng kiến cảnh sống ấm no, hạnh phúc của người dân tại đây.

Thủ tướng mong muốn tỉnh Bắc Ninh và các địa phương trong cả nước cần quan tâm phát triển nhà ở xã hội để cùng với việc phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các cơ chế, chính sách khác… để thu hút đầu tư.

Phân tích về 5 vai trò, 3 nội dung trọng tâm, 3 yếu tố quan trọng và 5 nhiệm vụ của công tác quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII tới nay, công tác này được tập trung đầu tư, đẩy mạnh; đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt 110/111 quy hoạch.

Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được chuẩn bị công phu, khoa học trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế của tỉnh. Quy hoạch đã đưa ra được quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển trọng tâm, đột phá phát triển; phương án, giải pháp, chính sách ưu đãi và nguồn lực thực hiện quy hoạch trong thời gian tới, với 5 hành lang, 1 vùng động lực.

Để đạt được những mục tiêu đề ra tại Quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh khẩn trương xây dựng, ban hành, triển khai tích cực, hiệu quả kế hoạch thực hiện Quy hoạch. Đồng thời phát huy tính tự lực, tự cường, bằng trí tuệ, con người, văn hóa lịch sử và truyền thống hào hùng của đất, người Kinh Bắc, dựa vào công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, sản xuất thông minh, dịch vụ để bứt phá, phát huy tối đa nguồn lực bên trong và bên ngoài.

Cùng với đó, Bắc Ninh phải thực hiện tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm; 6 khâu đột phá chiến lược đã được xác định. Trong đó, nghiên cứu, đề xuất, triển khai thí điểm một số cơ chế, chính sách mới có tính đột phá, đặc thù; tiếp tục đẩy mạnh phát triển đầu tư hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, y tế, giáo dục, xã hội, hạ tầng số.

Bắc Ninh phải phát triển công nghiệp mũi nhọn, công nghệ cao, chuyển đổi và mở rộng các khu công nghiệp theo hướng xanh, số, tuần hoàn, bền vững, tham gia ngày càng sâu rộng vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Đồng thời phát triển hạ tầng thương mại, thương mại điện tử hiện đại, trung tâm logistics lớn luân chuyển hàng hóa của khu vực phía Bắc và cả nước. "Bắc Ninh phải có cơ chế chính sách huy động nguồn lực, sức mạnh tổng lực của toàn xã hội; tập trung phát triển hạ tầng, đô thị hóa, cải cách hành chính với cách tiếp cận thân thiện, cởi mở", Thủ tướng lưu ý.

Về thu hút đầu tư, Thủ tướng đánh giá cao và hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã chọn tỉnh Bắc Ninh để đầu tư. Đồng thời tin tưởng các dự án sẽ được triển khai thành công; đề nghị doanh nghiệp, nhà đầu tư phát huy sứ mệnh của doanh nghiệp trên tinh thần 3 cùng (cùng lắng nghe, thấu hiểu; cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển và cùng chung niềm tự hào, vinh dự).

Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác; đúng định hướng, ưu tiên theo quy hoạch tỉnh…; tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển giao công nghệ, ứng dụng các phương thức quản trị thông minh, hiện đại; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp đóng góp ý kiến tham vấn cho cơ quan nhà nước trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiết giảm chi phí tuân thủ, tối ưu hóa đầu tư; tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt văn hóa, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, bảo đảm đời sống cho người lao động, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, trên tinh thần "đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất".

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương cùng Bắc Ninh đoàn kết, đồng lòng, hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau giải quyết các vấn đề mang tính liên tỉnh, thành phố; cùng chung sứ mệnh mới đưa đất nước vươn mình trong thời kỳ mới.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn