Sáng nay (30/12), Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương chính thức khai mạc. Hội nghị kéo dài trong 2 ngày với nhiều nội dung quan trọng, trong đó tổng kết tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2019 đạt nhiều kết quả rất đáng mừng, là năm thứ 2 liên tiếp hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch và rất nhiều chỉ tiêu đạt mức kỷ lục.
Đặc biệt, tham dự Hội nghị có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và 11 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố tại các đầu cầu trực tuyến.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng với những thành quả kinh tế-xã hội có được trong năm 2019, "chúng ta không chỉ đạt được tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực cũng như trên thế giới, mà còn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát chỉ 2,79%, mặt bằng lãi suất và tỉ giá luôn duy trì ổn định trong bối cảnh các thị trường tài chính toàn cầu đầy biến động…".
Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi kết quả đạt được là sự nỗ lực không ngừng nghỉ, sự đồng thuận, phối hợp của cả hệ thống chính trị; cùng với quyết tâm và sáng tạo vượt khó của hàng triệu công chức, viên chức, cán bộ trong từng xã, huyện, tỉnh, thành phố và Trung ương.
Thủ tướng lưu ý: "Trước mắt, năm 2020 chúng ta phải tạo việc làm cho hơn 1,1 triệu người; tính chung từ nay đến 2025 là gần 5,5 triệu người. Đây sẽ là một thách thức rất lớn mà Chính phủ, chính quyền địa phương phải giải quyết". Tuy nhiên, nhìn ở mặt ngược lại, đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm không ai khác hơn chính là nhóm lao động tăng thêm này.
Theo Thủ tướng, quan điểm của Chính phủ là cần trao cơ hội việc làm, cơ hội kinh tế, đánh thức tiềm năng khởi nghiệp nhiều hơn cho người dân, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ, lao động ở miền núi, nông thôn, vùng sâu và vùng xa. Chính phủ luôn nhất quán với quan điểm: Không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai bị đặt ngoài lề của sự phát triển.
Thủ tướng đề nghị thảo luận, cho ý kiến về phương châm hành động của năm 2020, qua đó xác định những trọng tâm cho chỉ đạo điều hành. Trong đó, Thủ tướng gợi ý các đại biểu, địa phương tập trung vào 9 nội dung lớn như: Làm sao để tiếp nối và phát huy cao hơn nữa những thành quả kinh tế - xã hội đã đạt được. Tháo gỡ những rào cản về môi trường kinh doanh, đặc biệt là những chỉ số còn thấp như: Giải quyết phá sản (đứng thứ 122/190 quốc gia); khởi sự kinh doanh (đứng thứ 115/190 quốc gia); nộp thuế (109/190); thương mại qua biên giới (104/190); bảo vệ nhà đầu tư (97/190).
Đồng thời, Thủ tướng cũng lưu ý thảo luận, chỉ ra những động lực mới cho tăng trưởng hay gây dựng động lực cho tăng trưởng của năm 2020 và các năm tiếp theo; Làm thế nào để tạo nền tảng cho kinh tế số phát triển; đề xuất các biện pháp chăm lo đời sống, nâng cao hơn nữa động lực làm việc cho cán bộ công chức…
Theo chương trình, Hội nghị nghe và thảo luận 12 nội dung như Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ; Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2019; Dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 (Nghị quyết 01); Dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 (Nghị quyết 02)…
Trong đó, năm 2020, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Dự thảo Nghị quyết năm 2020 tiếp tục đề ra mục tiêu phấn đấu cải thiện thứ bậc trên bảng xếp hạng các chỉ số: Môi trường kinh doanh, Năng lực cạnh tranh, Đổi mới sáng tạo, Chính phủ điện tử.
Điểm khác biệt là dự thảo năm nay đề ra các nhiệm vụ cụ thể tập trung vào cải thiện 06 chỉ số: Khởi sự kinh doanh, Cấp phép xây dựng, Tiếp cận tín dụng, Đăng ký tài sản, Giải quyết tranh chấp hợp đồng và Giải quyết phá sản doanh nghiệp (năm 2019 giao các bộ chủ trì, chịu trách nhiệm chủ động xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch cải thiện các chỉ số).
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn