Thủ tướng: 'Chuẩn bị nguồn lực then chốt trước Cách mạng 4.0'

17:23 | 01/11/2018;
Chiều ngày 1/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đăng đàn trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội trước khi kết thúc phiên chất vấn kéo dài 3 ngày của kỳ họp.

Thách thức nguồn nhân lực

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, gần 75 năm sau ngày độc lập, gần 45 năm sau đất nước thống nhất và hơn 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và ghi nhận như một hình mẫu của nền kinh tế chuyển đổi có nhiều thành công trong phát triển và giảm nghèo.

Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) có tên “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam” ghi nhận trong 3 thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn trong việc giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng chục triệu người.

ttt.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày một số vấn đề trước khi kết thúc phiên chất vấn 

Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ phát triển đặt ra cho Việt Nam trong 5-10 năm tới và xa hơn đòi hỏi chúng ta phải nắm bắt những xu thế công nghệ và chuyển động của thế giới toàn cầu hóa mà Việt Nam đang phải đối mặt. Một trong những thách thức đó là Cách mạng công nghiệp 4.0.

“Phát kiến một loạt các công nghệ mới kết hợp giữa thế giới vật lý với thế giới kỹ thuật số và sinh học tác động sâu rộng đến mọi khía cạnh của nền kinh tế. Nhiều thành tựu và tiềm năng ứng dụng vô cùng lớn đem đến cho chúng ta khả năng đi tắt đón đầu và cả nguy cơ bị bỏ lại phía sau nếu chúng ta không biết nắm bắt cơ hội”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thách thức lớn nhất được Thủ tướng nêu ra chính là Cách mạng 4.0 có thể làm tăng nguy cơ mất việc làm trong một số ngành công nghiệp truyền thống. Những lao động giản đơn rất dễ bị thay thế, trong khi đây lại là đối tượng dễ bị tổn thương thu nhập.

“Việt Nam là một trong những nước chịu thách thức lớn của khả năng thay thế lao động trong các ngành công nghiệp truyền thống, sử dụng nhiều lao động. Do vậy, chúng ta cần chuẩn bị cho mình những điều kiện then chốt, trong đó trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao”, Thủ tướng nói.

 

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu

Tiếp phần trình bày của mình, Thủ tướng cho rằng, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu, điều này cho thấy các hộ gia đình vẫn đang leo cao hơn trên nấc thang kinh tế sau khi thoát nghèo. Đây là động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới - kiến tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững, mọi người dân đều có cơ hội cùng tiến lên chứ không phải bị bỏ lại phía sau.

“Có câu nói: “Một đàn chim muốn bay nhanh không chỉ do con chim đầu đàn quyết định mà còn phụ thuộc vào con chim cuối đàn”. Nhưng tôi cũng xin chia sẻ thêm rằng đàn chim sẽ bay nhanh hơn rất nhiều nếu mọi con chim cuối đàn đều có chung khát vọng, vượt lên chính mình, bay nhanh hơn nữa để có cơ hội gia nhập vào nhóm đầu đàn”, Thủ tướng ví von.

 

lao-dong.jpg
Nguồn nhân lực Việt Nam đứng trước thách thức của Cách mạng 4.0. Ảnh minh họa 

Theo Thủ tướng "nếu tất cả 63 tỉnh/thành, tất cả đại biểu ngồi đây, cùng toàn bộ hệ thống chính trị cùng chung khát vọng đó, trong mọi hoàn cảnh trên từng chặng đường phát triển của đất nước thì chắc chắn Việt Nam sẽ tiến một bước rất dài đến con đường thịnh vượng, sánh vai được với các cường quốc năm châu như mong ước của Bác Hồ năm xưa".

Kết thúc bài trình bày, Thủ tướng cảm ơn các đại biểu Quốc hội về những ý kiến thảo luận, chất vấn đã giúp Chính phủ nhận diện rõ nét hơn những hạn chế, bất cập, trên cơ sở đó đề ra chương trình hành động và giải pháp sát thực tiễn để giải quyết những vấn đề đang đặt ra.

"Tất cả chúng ta hãy cùng nhau tập trung sức lực, làm thật tốt những nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2018 cũng như thời gian còn lại của nhiệm kỳ này", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết thúc phần phát biểu của mình.

Không để tái diễn vụ Con Cưng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hơn lúc nào hết cần quyết liệt hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chú trọng cải cách tư pháp, bảo vệ quyền tài sản, quyền công dân, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, kiểm soát quyền lực; đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, đề cao kỷ luật kỷ cương trong toàn bộ hệ thống chính trị; đẩy mạnh tinh giản biên chế, làm cho bộ máy nhà nước trở nên tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.

"Cần rút kinh nghiệm sâu sắc và không để tái diễn vụ việc Con Cưng hay gần đây là vụ phạt tiền 90 triệu đồng đối với hành vi đổi 100 USD không đúng quy định... Nhân đây tôi đề nghị sửa lại nghị định 96/2014/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng”, Thủ tướng nói.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn