Thủ tướng đề nghị các trường tăng cường thực hành, kết nối doanh nghiệp
13:21 | 05/05/2019;
Vấn đề về đào tạo gắn với thực tiễn, đồng bộ giữa đào tạo và thực hành của công nhân lao động là một trong những nội dung nổi bật được đề cập tại buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và công nhân, lao động kỹ thuật cao các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước.
Đào tạo chưa gắn liền với thực tiễn
Tại buổi đối thoại, anh Nguyễn Xuân Quang, Xí nghiệp Vật lý giếng khoan-VSP (CĐ Dầu khí) nêu ý kiến: Hiện nay có tình trạng sinh viên các trường đại học, cao đẳng mới ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp do việc đào tạo trong trường nặng về lý thuyết, thiếu thực hành. Theo chúng tôi, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo đổi mới nội dung và phương thức đào tạo công nhân lao động kỹ thuật cao nói riêng và đào tạo nghề, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi khắt khe của thị trường lao động cạnh tranh hiện nay.
Đại diện phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE, đề xuất, tổ chức Công đoàn nên tổ chức những trường đào tạo nghề, đào tạo lại và doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ các trang, thiết bị để đào tạo nghề sao cho công nhân được đào tạo kiến thức, tay nghề, nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu ngay sau khi ra trường.
Bà Thanh cho rằng: “Doanh nghiệp đến các trường đại học, cao đẳng, trung cấp để tuyển người nhưng những người được tuyển dụng chưa bắt tay vào làm việc được ngay và rất ngỡ ngàng trước thực tế. Những người giỏi cần 1 năm, những người kém hơn cần 2 năm để đào tạo lại thì mới bắt tay vào làm việc được”.
Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM Huỳnh Thành Đạt chia sẻ tại buổi gặp gỡ: “Việc liên kết giữa nhà trường - doanh nghiệp còn lỏng lẻo, doanh nghiệp cần thì tìm đến nhà trường, nhà trường có kết quả nghiên cứu thì đi tìm doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ cần có chính sách liên kết giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp để hiệu quả đào tạo gắn với thực tiễn nhiều hơn vì sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ tạo ra sự gắn kết giữa doanh nghiệp - nhà trường ngày càng chặt chẽ, hiệu quả”.
Ngoài ra, ông Huỳnh Thành Đạt còn cho biết thêm: Đại học Quốc gia TPHCM đang triển khai một số dự án, theo đó sẽ tăng cường gắn kết đào tạo và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Nhiều trường hiện nay đều đào tạo theo hướng đa ngành, nên có khả năng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Các trung tâm hướng nghiệp hiện nay đáp ứng nhu cầu cho nhiều người chứ không chỉ cho sinh viên. Công nhân có thể tham gia vào các trung tâm này và được miễn phí.
Các lãnh đạo nói gì?
Trước các phát biểu của đại biểu tham dự, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, việc thay đổi tình trạng “nặng lý thuyết, nhẹ thực hành” là vấn đề lớn mà Bộ và các Bộ ngành liên quan đã tập trung để có nhiều thay đổi, để làm sao việc đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn, các ngành nghề phù hợp với nhu cầu xã hội, sự phát triển của khoa học công nghệ. Khắc phục tình trạng các trường “tiện đâu đào tạo đó” mà không gắn với thực tế.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, để khuyến khích người lao động đi học, có nhiều chương trình hỗ trợ học phí hoặc Chính phủ cấp kinh phí cho người lao động đi học, nhiều chương trình đào tạo như đào tạo từ xa, đào tạo theo tín chỉ… để người lao động lựa chọn. Sắp tới đây, Bộ luật Lao động sẽ có quy định bắt buộc doanh nghiệp để công nhân có nhu cầu đi học được tham gia đi học.
Trả lời các kiến nghị của công nhân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn nhìn nhận: Hiện có nhiều trường chỉ dạy cái gì đang có chứ chưa chú trọng đến yếu tố kỹ thuật, yêu cầu của doanh nghiệp. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo, cho phép tạo môi trường sinh thái gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, theo đó, cho doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào việc đào tạo, các kỹ sư có kinh nghiệm có thể tham gia đào tạo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà và bằng khen cho các công nhân tiêu biểu
Liên quan đến vấn đề đào tạo gắn với thực tiễn, trong phát biểu kết luận tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tôi đề nghị các nhà trường tăng cường thực hành, kết nối với các doanh nghiệp để giúp cho người học hiểu rõ, tiếp thu cái mới, ngành mới mà Việt Nam chưa có, đây là nhu cầu rất lớn đối với hệ thống đào tạo của Việt Nam”.
Sáng 5/5, tại TPHCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp gỡ với hơn 1.000 công nhân, lao động kỹ thuật cao của các địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm và 16 ngành kinh tế kỹ thuật cao của đất nước.
Chương trình có tổng cộng có 43 kiến nghị thuộc 7 nhóm vấn đề đã được gửi đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đó là những chính sách của doanh nghiệp đối với lực lượng công nhân kỹ thuật cao; chính sách của địa phương trong việc phát triển nguồn nhân lực có kỹ thuật cao; đề xuất của công nhân, lao động có kỹ thuật cao đối với Chính phủ trong việc ban hành những chính sách để tạo động lực phát triển bản thân…