Thủ tướng: "Đừng nói chuyện trên trời mà không bàn vấn đề sát sườn bảo vệ môi trường!"

15:06 | 11/06/2020;
Thảo luận tại tổ sáng nay 11/6 về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc xử lý các vi phạm môi trường nói mãi cũng nhờn. Từ đó, cần chấm dứt việc bàn chuyện trên trời mà thiếu quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường mang tính sát sườn với cuộc sống của người dân.

Vào cuối giờ sáng nay 11/6, Quốc hội dành thời gian thảo luận tại tổ Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Tham gia thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu quan điểm cần xử lý mạnh tay với các vi phạm liên quan đến lĩnh vực môi trường.

Theo Thủ tướng, môi trường là vấn đề lớn, mang tầm quốc tế, các nước cũng tranh luận rất nhiều. Việc đặt vấn đề sửa đổi, xây dựng, hoàn thiện pháp luật về môi trường là đúng đắn, cần thiết. "Hơn lúc nào hết chúng ta phải bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Người dân không chỉ cần vật chất, mà cần được sống trong môi trường trong sạch, trong lành" – Thủ tướng nói.

Thủ tướng: "Đừng nói chuyện trên trời mà không bàn vấn đề sát sườn bảo vệ môi trường!" - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sáng 11/6

Tuy vậy, Thủ tướng thừa nhận "nói thì dễ nhưng làm rất khó". Điều này cần bắt đầu từ việc hình thành thói quen tốt của người dân và cộng đồng dân cư.

"Sẽ là sai lầm nếu chúng ta không coi trọng tam giác phát triển kinh tế - xã hội - môi trường. Trong nhận thức của các cấp chính quyền, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và người dân cần nhận thức vấn đề này. Có nơi thói quen của người dân, của cộng đồng dân cư có nhiều vấn đề chưa thay đổi được trong nhận thức về bảo vệ môi trường. Và nhiều nơi chưa làm kiên quyết nên vấn đề môi trường còn nhiều nhức nhối" – Thủ tướng phân tích.

Theo Thủ tướng, sự vô trách nhiệm của một bộ phận dân cư cần phải được giáo dục. Nghị quyết của từng chi bộ phải quán triệt một cách cụ thể. "Đừng nói chuyện trên trời mà không bàn vấn đề sát sườn là bảo vệ môi trường nơi mình sinh sống. Rồi đặt vấn đề về vai trò của Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ… các tổ chức chính trị trong câu chuyện này" – Theo Thủ tướng.

Nhằm cụ thể hóa chế tài xử phạt vi phạm môi trường, Thủ tướng cho rằng nên chăng cần có một nghị định tương tự như xử lý vi phạm lái xe uống rượu bia, với chế tài nghiêm khắc bên cạnh công tác tư tưởng, vận động, tuyên truyền giáo dục cũng như khuyến khích áp dụng công nghệ trong sản xuất, xử lý rác thải để bảo vệ môi trường.

"Tình hình uống rượu lái xe, tai nạn giao thông do uống bia rượu giảm hẳn. Phải rút ví bỏ ra hàng chục triệu đồng nộp phạt thì người dân mới nâng cao ý thức. Chúng ta không có chế tài nghiêm thì nói mãi cũng nhờn. Dọc bờ sông, bãi biển còn bẩn lắm nhưng cứ nói mãi mà không ai chịu thực thi bảo vệ!" – Thủ tướng nhìn nhận.

Về phía trách nhiệm của cơ quan chức năng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn thừa nhận rằng tình trạng ô nhiễm môi trường vừa qua có khuyết điểm của Chính phủ, các cấp, các ngành chưa làm quyết liệt.

"Nghị quyết các chi bộ có nội dung về bảo vệ môi trường ở thôn, xóm, ở khu dân cư của mình không, hay chỉ nói những chuyện cao xa? Trong mỗi gia đình, phân loại rác thải mà chưa làm được thì rất khó xây dựng nhà máy rác thải tốt được. Sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận dân cư cần phải được khắc phục".

Từ đó, Thủ tướng đề nghị luật phải làm rõ hơn vai trò quản lý nhà nước cũng như chức năng của các bộ, ngành, không thể một Bộ "vừa đá bóng vừa thổi còi".

"Cần sửa luật để có người bị xử lý kỷ luật Đảng, xử lý hành chính và cao hơn nữa về trách nhiệm của mình trước dân. Bộ máy phải mạnh, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, có kiến thức, phương tiện, công cụ kiểm tra. Chính phủ sẽ tiếp thu để có hành động mạnh mẽ hơn nữa, tránh "biết rồi nói mãi" về vấn đề ô nhiễm môi trường" – Thủ tướng khẳng định.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn