Đánh giá tình hình kinh tế xã hội, Thủ tướng cho rằng, tháng 7 phát triển khá tốt, đặc biệt là kích cầu nội địa, du lịch nội địa, hàng không, những ngành chịu nhiều thiệt hại do COVID-19 thì đã tiến triển đáng mừng.
Theo Thủ tướng, trong tuần cuối tháng 7, đã xuất hiện ổ dịch tại Đà Nẵng và lây lan ra 7 tỉnh, thành phố. Trong bối cảnh đó, chúng ta đã tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh một cách bình tĩnh, lạc quan và quyết tâm cao với mục tiêu kép là khoanh vùng dập dịch kịp thời, liên tục với biện pháp mạnh, nhất là tập trung cho TP. Đà Nẵng. Chúng ta đã chỉ đạo trên tinh thần không để đứt gãy nền kinh tế, giữ cân đối vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đặc biệt là giữ được các cân đối lớn của nền kinh tế.
Dấu hiệu đáng mừng nữa về sức khỏe nền kinh tế là hoạt động bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tháng 7 tiếp tục hồi phục, tăng đến 3,3% so với tháng trước và tăng đến 4,3% so với cùng kỳ nhờ chính sách kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa.
Xuất siêu cao nhất trong 4 năm qua với điểm sáng là khu vực kinh tế trong nước; thu hút FDI được cải thiện; Lãi suất tiếp tục xu hướng giảm, đứng ở mức thấp nhờ thanh khoản dồi dào…
Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ ra 3 rủi ro, thách thức từ bên ngoài mà rủi ro lớn nhất vẫn là dịch COVID-19 với diễn biến khó lường, đặc biệt các đối tác quan trọng bị ảnh hưởng nặng nề; thứ hai là căng thẳng thương mại và công nghệ leo thang giữa nhiều nước và thứ ba là địa chính trị phức tạp, thiên tai, lũ lụt ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế.
Thủ tướng cho rằng, kể cả bội chi ngân sách thì chính sách tài khóa cần tiếp tục hỗ trợ cho chính sách tiền tệ, hỗ trợ cho người lao động, cho các doanh nghiệp. Gói hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt gói an sinh xã hội đã được giải quyết một bước nhưng cần quyết liệt triển khai nhanh hơn, trúng và mở rộng hơn nữa, hiệu quả hơn nữa. Đi liền với đó là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Nêu rõ quan điểm điều hành cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh, cùng với quyết liệt phòng, chống, không để dịch bệnh lây lan, cần tập trung phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, giảm thiểu tác động của dịch bệnh. Yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Không bộ, ngành nào được chủ quan, lơ là nhiệm vụ quan trọng này. Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các địa phương trực tiếp chịu trách nhiệm về phòng, chống dịch bệnh.
TheoThủ tướng, việc gia hạn, giãn, hoãn nợ, miễn giảm lãi suất thời gian qua đã bước đầu phát huy tốt, kịp thời, cần tiếp tục làm mạnh hơn nữa vì kinh tế gặp khó khăn khi dịch COVID-19 quay trở lại. Đây là một tuần thử thách nữa cho chính sách tài khóa và tiền tệ.
Mở rộng tín dụng, bảo đảm mức tăng cần thiết để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng, nhất là những lĩnh vực ưu tiên. Thủ tướng nhấn mạnh: "Các đồng chí đều phải có trách nhiệm hỗ trợ các ngành, các lĩnh vực, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, người lao động, người dân gặp khó khăn.
Thủ tướng nhấn mạnh tới số người lao động gặp khó khăn hiện nay còn lớn, phải có giải pháp mạnh hơn, đề xuất chính sách mới hơn. Việc triển khai gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng vừa qua cần rút kinh nghiệm để thuận lợi hơn.
Theo báo cáo, trong quý II và 6 tháng đầu năm 2020, đã có 30,8 triệu người bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, trong đó 2,4 triệu lao động mất việc, tỉ lệ thất nghiệp trên cả nước tăng 2,73%; khu vực thành thị tăng 4,46%; có khoảng 17,6 triệu người giảm thu nhập do dịch COVID-19. "Nếu chúng ta không quan tâm những vấn đề lao động xã hội thì tình hình sẽ phức tạp", Thủ tướng lưu ý.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn