Sáng nay 12/11, Quốc hội chất vấn Thủ tướng Phạm Minh Chính – thành viên Chính phủ cuối cùng đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp này. Trong phần phát biểu của mình trước phiên chất vấn, Thủ tướng dành thời gian báo cáo chung tình hình, trong đó có đề cập đến giáo dục.
Theo Thủ tướng, việc dạy học trong điều kiện dịch bệnh đã cho thấy sự nỗ lực vượt khó của giáo viên, học sinh cả nước. Tuy nhiên, việc nghỉ học và học online dài ngày đang ảnh hưởng không nhỏ đến tâm sinh lý của học sinh, giáo viên, gia đình cũng như chất lượng giáo dục.
"Như nhiều đại biểu nêu, Chính phủ chia sẻ khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt của gia đình thầy cô giáo và học sinh bị đảo lộn. Dạy học trực tuyến chỉ là tình thế trong điều kiện chưa tiêm phủ vaccine, phòng dịch chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Chính phủ đồng tình với việc không thể kéo dài việc học trực tuyến" – Thủ tướng khẳng định.
Về nhóm giải pháp, Thủ tướng cho biết tới đây yêu cầu hai Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế cùng phối hợp các địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để từng bước mở cửa trở lại trường học trong năm nay, với quan điểm bảo đảm dạy học an toàn, chất lượng giáo dục phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Cùng với đó là nghiên cứu đẩy nhanh tiêm vaccine cho trẻ em, chuẩn bị tốt điều kiện chống dịch tại trường, dạy học linh hoạt bằng nhiều phương thức, đẩy mạnh công nghệ chuyển đổi số, đổi mới phương pháp dạy và học, rà soát tinh giản nội dung, nâng cao năng lực của giáo viên, hỗ trợ tâm lý cho học sinh và gia đình…
Đồng thời, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ thiết bị cho học sinh vùng khó khăn, xây dựng cơ chế hỗ trợ các cơ sở giáo dục gặp khó khăn do dịch bệnh, rà soát chế độ chính sách nhà giáo phù hợp với tình hình, nhất là giáo viên mầm non và giáo viên khối ngoài công lập.
Cũng liên quan đến nhóm giải pháp ưu tiên trong bối cảnh dịch bệnh, Thủ tướng cho biết sẽ triển khai sớm các giải pháp phục hồi thị trường lao động.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại thực tế đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình lao động, việc làm trong nhiều ngành, lĩnh vực. Tỷ lệ lao động thiếu việc, thất nghiệp tăng cao.
Đặc biệt, một lượng lớn người dân, người lao động trở về quê dẫn đến những vấn đề xã hội và tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, nhất là tại các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sau khi nới lỏng giãn cách xã hội và từng bước mở cửa nền kinh tế.
Thủ tướng yêu cầu thực hiện mọi biện pháp cần thiết để từ nay đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022, bảo đảm thu hút đủ nguồn cung lao động đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trong thời gian sớm nhất gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh.
"Để thực hiện mục tiêu này, cần có giải pháp hỗ trợ phù hợp người lao động đối với các khoản chi phí đi lại, ăn ở, sinh hoạt trong thời gian đầu. Về lâu dài, cần triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động" – Thủ tướng cho hay.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn