Tại phiên họp, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam với các nước trên thế giới đang đi vào chiều sâu, mở rộng trên mọi lĩnh vực. Ngoại giao kinh tế đã thay đổi sâu sắc trong tư duy về phương thức triển khai. Trong thời gian tới, ngoại giao cần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào khoa học công nghệ, công nghiệp thông minh. Việt Nam đã có ‘đại sứ’ xoài, thanh long, đã đến lúc cần có “đại sứ công nghệ”", Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.
Thứ trưởng khẳng định ngoại giao kinh tế phải bám thật sát những yêu cầu của từng ngành, vùng, sản phẩm có thế mạnh của đất nước, tìm ra lợi thế so sánh để chủ động phục vụ doanh nghiệp, người dân; tận dụng các hoạt động ngoại giao chính trị, các chuyến thăm cấp cao nhằm thúc đẩy các hợp đồng, thỏa thuận kinh tế quan trọng; tranh thủ quan hệ tốt với các nước để tháo gỡ khó khăn, trở ngại trong hợp tác kinh tế; tận dụng và tiếp tục thúc đẩy các hiệp định tự do thương mại; linh hoạt, sáng tạo xử lý các thách thức và tận dụng các cơ hội từ các cơ chế hợp tác tiểu vùng.
Cũng tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao việc nhiều đại sứ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai hoạt động xúc tiến tại các địa bàn theo các phương thức đa dạng, hiệu quả, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ. Doanh nghiệp và địa phương đang trở thành trung tâm trong các nỗ lực xúc tiến quảng bá kinh tế đối ngoại của ngành ngoại giao, đúng theo tinh thần của Chính phủ kiến tạo, phục vụ.
Thủ tướng đề nghị ngành ngoại giao tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các thể chế hợp tác đa phương, nỗ lực vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải, thúc đẩy đồng bộ các lĩnh vực với hợp tác kinh tế là trọng tâm. “Công tác đối ngoại cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp vươn ra thế giới”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, tăng cường tìm kiếm nguồn lực, quảng bá phát triển thương mại, thu hút ODA, du lịch, kiều hối, phát triển thị trường lao động để cùng cả nước phát triển nền kinh tế số công nghệ cao, thông minh. Thủ tướng đề nghị các đại sứ cần mở hướng mới, vận dụng nguồn lực của các doanh nghiệp vận động kiều bào ta ở nước ngoài ủng hộ xây dựng đất nước một cách thiết thực nhất, đặc biệt là phân phối hàng hóa của Việt Nam.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga - Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, Phó Chủ tịch nhóm xây dựng Tầm nhìn APEC sau 2020 - cho biết, cơ hội cho Việt Nam hiện nay là rất lớn khi đang ở cái nôi của phát triển và tăng trưởng - đó là châu Á - Thái Bình Dương. Đây là động lực lớn và Việt Nam phải nắm lấy cơ hội này, đồng thời phải thay đổi để ứng phó với những thách thức đi kèm. Ngoại giao kinh tế- phát triển có nghĩa là trong kinh tế phải lấy phát triển bền vững và bao trùm làm trọng tâm, từ đó chủ động nắm bắt, đón đầu xu thế.