Tham dự hội nghị có 1.850 đại biểu từ nhiều bộ ngành, cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo 25 địa phương, 29 đại sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao, 8 tổ chức quốc tế...
Đáng chú ý có 1.200 nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, trong đó có nhiều doanh nghiệp tham dự để nhận quyết định chủ trương đầu tư dự án hoặc đề xuất đầu tư dự án mới trên địa bàn TP. Hà Nội.
6 tháng đầu năm, GRDP Hà Nội tăng 3,39%
Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, Hội nghị "Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển" là thông điệp mạnh mẽ của thành phố Hà Nội kiên trì thực hiện chỉ đạo của trung ương về thực hiện nhiệm vụ "kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội; khẳng định Hà Nội là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Ông Vương Đình Huệ cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế Thủ đô. Theo đó, kinh tế Hà Nội giảm sâu trong tháng 4, hồi phục trở lại từ giữa tháng 5 và tăng trưởng mạnh trở lại trong tháng 6. Tính chung 6 tháng đầu năm, GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) tăng 3,39% - là mức tăng trưởng khá cao so với bình quân cả nước và trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng âm 4,9% cả năm 2020 theo dự báo mới nhất của IMF.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hội nghị lần này của Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi nền kinh tế toàn cầu bị đứt gãy nặng nề do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam có mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua, nhưng vẫn là mức tăng trưởng cao nhất ở khu vực châu Á.
"Tại hội nghị này, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, đã có những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước không chỉ bởi môi trường chính trị, xã hội ổn định, mà còn là môi trường an toàn trong phòng, chống dịch bệnh; chính quyền thành phố sáng tạo, tiên phong, dám nghĩ dám làm", Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Hội nghị ''Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển'' đã nhấn mạnh nội hàm hợp tác phát triển với quan điểm hợp tác được đề cao, hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, Nhà nước và người dân trong tầm nhìn dài hạn. Đây cũng là quan điểm quan trọng trong thu hút đầu tư của Việt Nam và Hà Nội. Hội nghị lần này cũng là định hướng để thực hiện cụ thể hơn Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
"Quan điểm trước đây "Hà Nội không vội được đâu" giờ đã lạc hậu, đã cũ, bởi Hà Nội ngày nay tích cực đối thoại, tích cực tháo gỡ, tích cực tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển. Hà Nội đã tôn vinh doanh nghiệp; hợp tác tháo gỡ bất cập, xây dựng hệ thống chính trị liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nhờ sự năng động của các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị, Hà Nội đã thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài, nhiều tập đoàn đa quốc gia và nhiều dự án quy mô lớn", Thủ tướng Chính phủ nêu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, Hà Nội ngày nay không nên chỉ khiêm tốn với định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam cần được định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Nam Á. Đến năm 2045, khi Việt Nam ở vị thế nước phát triển, Hà Nội phải đạt tầm nhìn là một trong những trung tâm của Đông Á.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn