Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò, đóng góp của Campuchia trên cương vị Chủ tịch ASEAN, trong đó có việc thúc đẩy triển khai thực hiện "Đồng thuận 5 điểm" của ASEAN về Myanmar. Thủ tướng cũng chúc mừng những kết quả tích cực Campuchia đạt được trong kiểm soát dịch bệnh và sớm mở cửa toàn diện trở lại; tin tưởng Campuchia sẽ tổ chức thành công cuộc bầu cử Hội đồng xã/phường đầu tháng 6/2022 cũng như cuộc bầu cử Quốc hội trong năm 2023.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen đánh giá cao những thành tựu Việt Nam đạt được trong ứng phó với dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trao đổi về quan hệ Việt Nam - Campuchia, hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng về những phát triển tích cực trong hợp tác song phương thời gian qua; kim ngạch thương mại hai chiều giữ đà tăng trưởng khả quan, đạt 3,37 tỷ USD trong quý I/2022, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Hai Thủ tướng nhất trí thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao trong "Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam 2022", phối hợp tổ chức tốt các hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (24/6/1967 - 2022); nỗ lực duy trì đà phát triển thương mại - đầu tư; thúc đẩy du lịch, trong đó có du lịch đường bộ; sử dụng hiệu quả hệ thống cửa khẩu để tạo thuận lợi cho giao thương và giao lưu nhân dân; phát huy thành quả phân giới cắm mốc khoảng 84% đường biên giới trên đất liền và tiếp tục giải quyết phân giới cắm mốc khoảng 16% còn lại; cùng phối hợp xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị giữa hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng bày tỏ cảm ơn và mong muốn Chính phủ Campuchia tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia củng cố địa vị pháp lý và ổn định cuộc sống tại Campuchia.
* Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng do đó ổn định kinh tế vĩ mô đóng vai trò hết sức quan trọng. Thủ tướng chia sẻ với Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ về những tác động phức tạp đối với các nền kinh tế bắt nguồn từ những biến động toàn cầu trong khu vực như cạnh tranh chiến lược, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang.
Thủ tướng cho rằng để ứng phó cần có cách tiếp cận toàn cầu, đề cao chủ nghĩa quốc tế và tiếp cận đa phương, có cách tiến cận câng bằng, công lý. Đồng thời, mỗi nước cần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, xuất phát từ nội lực và thế mạnh của mình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Chính phủ và Bộ Tài chính Hoa Kỳ hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam về phát triển kinh tế, xử lý các thách thức toàn cầu, trong đó có vấn đề chuyển đổi năng lượng và thực hiện cam kết tại COP26, hợp tác để xây dựng các cơ chế kinh tế khu vực, ổn định quan hệ thương mại và chuỗi cung ứng.
Bộ trường Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen bày tỏ sự trân trọng và mong muốn làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư giữa hai nước, trong đó có hợp tác tài chính, ngân hàng. Bà Janet Yellen đặc biệt đánh giá cao quan điểm điều hành tỷ giá linh hoạt của Việt Nam, kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Bộ trưởng Tài chính khẳng định Hoa Kỳ sẽ thông qua các thể chế tài chính toàn cầu và khu vực, phối hợp với các nước phát triển để hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, ứng phó với dịch bệnh truyền nhiễm và chuyển đổi năng lượng, thực hiện cam kết mạnh mẽ chống biến đổi khí hậu. Hoa Kỳ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam về xây dựng năng lực, cơ chế nhằm phát triển hiệu quả thị trường vốn và thị trường bất động sản.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn